Cuối năm 2023, những quả cam Xã Đoài đầu tiên ở thung lũng Thiên Sơn (huyện biên giới Con Cuông, Nghệ An) đã vượt qua các đợt kiểm nghiệm nghiêm ngặt để có mặt trên những chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Mùa quả ngọt đầu tiên của giống cam tiến Vua nức tiếng xứ Nghệ khi ngược núi, cắm rễ, đâm chồi ở miền biên ải là thành quả nhiều năm liền của người đàn ông “ăn gan trời” – Trịnh Xuân Giáo.
Trong cơ ngơi bề thế ở xứ đạo Yên Đại thành phố Vinh (Nghệ An), chúng tôi đã được nghe ông kể về giấc mơ đưa quả cam tiến Vua ra thế giới.
Ông Trịnh Xuân Giáo sinh ra và lớn lên ở xứ đạo Bảo Nham (xã Bảo Thành, Yên Thành, Nghệ An). Bôn ba, “va đập” với đời, kinh qua đủ loại công việc và nếm trải mùi vị của sự thất bại, năm 1995, ông Giáo quyết định đi xuất khẩu lao động ở Đông Âu.
Chuyến đi mang theo bao kỳ vọng thoát nghèo, hay ít nhất là kiếm đủ tiền trả nợ đã bị “dội ngay một gáo nước lạnh” khi ông phát hiện bị sa vào đường dây lừa đảo người đi xuất khẩu lao động thời điểm chỉ còn mấy tiếng nữa là máy bay hạ cánh xuống một đất nước xa lạ, tuyết phủ trắng xóa.
Đã “cưỡi lên lưng cọp”, để sinh tồn nơi đất khách và trả khoản nợ tăng thêm nhiều lần khi đi nước ngoài, ông buộc phải vực mình dậy, lao vào kiếm sống bằng đủ nghề, kể cả những công việc có thể bị đánh đổi bằng mạng sống của mình. 7 năm sinh tồn, quăng quật ở xứ người, năm 2001, ông Giáo quyết định trở về quê hương khi đã trả hết nợ và tích lũy được một số vốn liếng.
Về quê, người đàn ông này đã có một quyết định “động trời” – thu mua 20ha đất rừng sản xuất của các hộ dân ở xã Đồng Thành, huyện Yên Thành để phát triển nông nghiệp.
“Tôi nhận thấy ở Nghệ An có giống cam Xã Đoài nức tiếng, giá bán lên cả trăm nghìn một quả, nên quyết định trồng cam. Thời điểm đó, vùng này hẻo lánh, chất đất, khí hậu ở đây khá phù hợp với cây cam nhưng người dân trồng bạch đàn, keo là chủ yếu, giá trị kinh tế thấp.
Người ta nghĩ tôi mua đất, dựng lán trong này để sản xuất hàng cấm hay chưng cất ma túy, còn những người bán đất cho tôi thì nghĩ kiểu gì tôi cũng phá sản, họ sắp được mua lại đất của mình với giá rẻ”, ông Giáo cười.
Bỏ ngoài tai mọi xì xầm, hoài nghi, ông Giáo lẳng lặng với dự định của mình. Ông thuê người, thuê máy móc về chặt cây, đào gốc, bỏ hàng nghìn tấn phân chuồng để cải tạo, làm giàu dinh dưỡng cho đất.
Giống thì đã có, loại cam ở “đất tổ” Xã Đoài, nhưng gay go nhất là con người, bởi lẽ, trong ngành nông nghiệp công nghệ cao mà ông đang hướng tới thì bản thân ông chỉ là “kẻ ngoại đạo”.
Ông Giáo cất công lên thủ phủ cam Nghệ An là Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp để tìm người hiểu biết và có kinh nghiệm về trồng cam. Ông chia 1/4 thu nhập từ vườn cam, xây nhà để mời ông Nguyễn Hữu Bình – người có kinh nghiệm trồng cam giỏi nhất nhì vựa cam Quỳ Hợp về vườn mình phụ trách kỹ thuật.
“Tôi không thuê người về trồng cam cho mình, mà tôi chia lợi nhuận cho họ. Khi có lợi ích trong đó, họ không phải là người làm thuê, mà là chủ, như vậy, sẽ dốc sức, dốc lòng, tâm huyết và gắn bó với cây cam của tôi”, ông Giáo lí giải về cách dùng người khác lạ của mình.
Năm 2007, những cây cam đầu tiên được trồng xuống. Màu xanh dần phủ khắp khu vườn rừng rộng 20ha. Nhờ áp dụng quy trình chăm sóc theo quy chuẩn VietGap (sản xuất nông nghiệp sạch), cây cam nhanh chóng đâm cành, xòe tán, ra hoa, kết quả. Khi những quả cam vàng ươm, trĩu cả cành xuống, ông Giáo mới có thể “thở nhè nhẹ”, bởi cam đầu mùa chưa đủ độ ngọt theo yêu cầu. Từ năm 2013, cam bước vào giai đoạn cho năng suất, chất lượng tốt nhất, lúc này, ông có thể thở phào nhẹ nhõm.
Thay vì bán cam quả, ông “đưa cam vào thùng” để từng bước giúp khách hàng hình thành thói quen tiêu dùng theo định hình của người bán. Cam loại 1, giá 40.000 đồng/kg, cam loại 2 giá 35.000 đồng/kg, cam loại 3 giá 30.000 đồng/kg, mỗi thùng 5-10kg.
Để thay đổi thói quen tiêu dùng đã “ăn sâu, bén rễ” của người Việt Nam thực sự không dễ dàng nhưng với chất lượng và giá cả được tính toán một cách hợp lý, tỉ lệ tiêu thụ qua kênh bán lẻ khá cao.
Cùng với bán lẻ, ông Giáo từng đưa cam vào chuỗi các siêu thị lớn trong cả nước. Năm 2019, vườn cam của ông được Hiệp hội Nông nghiệp Đức công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Cũng trong thời gian này, thông qua các quy trình kiểm tra ngặt nghèo, cam của ông đã có mặt tại chuỗi siêu thị ở Nhật Bản – một trong những thị trường “khó tính” bậc nhất thế giới.
“Nếu như trước đây, trên cùng 1ha, bà con chỉ thu 40 triệu đồng từ cây keo, bạch đàn, thì sau 7 năm, với cây cam, một năm tôi thu gần 1 tỷ đồng/ha cam. Thời điểm cây cam cho năng suất, chất lượng cao nhất, tôi thu 18 tỷ đồng, trừ 3 tỷ đồng chi phí sản xuất, lãi 15 tỷ đồng”, ông Giáo chia sẻ.
Đang “hái” ra tiền, năm 2022, ông Giáo cho chặt hết cam. Quyết định của ông khiến nhiều người sửng sốt, nhưng với ông, mọi việc đều nằm trong kế hoạch đã định.
Sau nhiều năm “vắt kiệt” dinh dưỡng cho từng mùa cam, đất cần phải nghỉ ngơi để tái tạo. Ông chặt hết cam, trồng những lứa đậu nành rồi cày lật úp đất, cây đậu nành sẽ phân hủy thành phân hữu cơ, phục hồi đất. Hơn nữa, thời điểm này, vườn cam xã Đoài ở huyện miền núi Con Cuông của ông đã bước vào giai đoạn ra quả bói.
Chuyện đưa cam tiến Vua lên núi của ông Giáo được vợ ông gói gọn bằng một câu thảng thốt “Anh ăn gan trời à?”.
Theo nhiều tài liệu, cam Xã Đoài được nhà canh tân Nguyễn Trường Tộ đưa hạt giống về vùng đất Xã Đoài (Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An) trồng vào năm 1883. Giống cam có nguồn gốc từ đất nước Tây Ban Nha, khi được đưa về đây trồng, với khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt, cho ra quả cam mọng nước, vị ngọt thanh và thơm đặc trưng. Bởi vậy, giống cam quý này được dùng để tiến Vua.
Những năm gần đây, xã Nghi Diên đã phục tráng, trồng cam Xã Đoàn ở các nhà vườn quy mô nhỏ và vừa. Thương hiệu đã được khẳng định qua nhiều thế kỷ nên cam Xã Đoài gốc được bán theo quả, mỗi quả 80.000-100.000 đồng. Bởi vậy, loại cây đặc sản này thường chỉ phục vụ cho giới nhà giàu hoặc mua làm quà.
Cùng với mở trang trại trồng cam Xã Đoài ở Đồng Thành, ông Giáo xúc tiến trồng giống cam quý này ngay chính vùng đất Nghi Diên – quê hương loại đặc sản tiến Vua.
Năm 2015, nhận lời mời thu hút đầu tư của lãnh đạo huyện Con Cuông, ông Giáo lên khảo sát với điều kiện: nếu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với cây cam, huyện phải đảm bảo mặt bằng tối thiểu 50ha để phù hợp công đầu tư.
Sau thời gian khảo sát, ông Giáo nhận thấy vùng đất giữa dãy núi đá vôi với nền nhiệt thấp hơn bên ngoài 3-4 độ C, thuộc xã biên giới Môn Sơn, phù hợp với cây cam. Với sự hỗ trợ của chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, ông Trịnh Xuân Giáo có trong tay 54ha đất để triển khai dự án đưa cam tiến Vua lên núi.
“Đứng giữa thung lũng bạt ngàn, hít đầy lồng ngực luồng không khí mát lành, tôi sướng tê cả người, mường tượng ra những cánh đồng cam vàng lúc lỉu trên cành. Nhưng khi bắt tay vào triển khai mới “thấm” cái sự khó khăn, gian khổ của việc đưa cam tiến Vua vào núi.
Cái khó nhất là không có đường đi, muốn đưa máy móc, phân bón, giống cây vào thì phải mở đường. Bạt núi, có nơi phải hạ xuống 15m chiều cao, mở san nền đường rộng 12m giữa một bên núi cao, một bên là vực sâu, con đường vẻn vẹn 3 cây số nhưng mất tới gần một năm ròng. Tôi không nhớ bao nhiêu lần xe lăn xuống vực, đôi lần chết hụt khi đi trên con đường đang mở ấy”, ông Trịnh Xuân Giáo nhớ lại.
Theo nhẩm tính của ông Giáo, chỉ riêng chi phí làm đường đã ngốn gần 5 tỷ đồng, chưa kể tiền xe, máy và tiền dầu. Cái sự mở đường gian nan bao nhiều, thì công cuộc bóc núi, hạ độ cao để phục vụ cơ giới hóa trong việc trồng cam cũng kỳ công bấy nhiêu. Cả đoàn người cứ lầm lũi trong rừng, nơi không điện lưới, không sóng điện thoại.
Ròng rã hơn 2 năm trời mở đường, san đất, xây hệ thống năng lượng mặt trời, tiêu tốn gần 40 tỷ đồng, khu đất 54ha mới “quy hoạch” xong. Lúc này, ông Giáo mới dám đưa vợ lên “tham quan”.
Nhìn con đường bên núi, bên vực, phía dưới còn vài chiếc xe đã dập nát, bà Nguyễn Thị Nga – vợ ông – chỉ thốt lên được một câu: “Anh ăn gan trời à?”. Nghe vợ nói, ông chỉ cười hiền lành…
Năm 2019, hơn 20.000 gốc cam Xã Đoài được trồng xuống đất rừng miền biên viễn. Hơn 20.000 tấn phân bò được thu mua từ các trang trại chở lên đổ xuống đồi, bồi thêm màu mỡ cho đất. Cây cam bén rễ, hít khí trời, lọc tinh túy từ đất mà lớn lên.
Một rừng cam ngay hàng, thẳng lối phủ màu xanh lên thung lũng Thiên Sơn. Khó khăn lại nảy sinh, lần này là từ chính con người.
“Làm việc cho trang trại cam là đồng bào Thái ở đây, nhiều người chưa am hiểu kỹ thuật và kỷ luật lao động. Tôi đưa 16 lao động khá nhất xuống thành phố để đào tạo quy củ, sử dụng thành thạo máy móc, về trả lương 8-12 triệu đồng/người. Được đào tạo, có thu nhập cao, ổn định, tư duy và ý thức, kỷ luật lao động của họ được nâng lên rõ rệt”, ông Giáo chia sẻ.
Cây cam ở đây được trồng và chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ, đáp ứng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Ngoài 16 lao động thường xuyên, vào các vụ tỉa cành, làm cỏ, bón phân, trang trại của ông sử dụng khoảng 100 lao động, chủ yếu là người Anh Sơn, Con Cuông với tiền công 300.000 đồng/người/ngày.
Giữa năm 2023, 2/3 gốc cam đầu tiên cho quả, sản lượng ước tính 250 tấn. Với từng này cam, chưa đủ cung ứng thị trường trong nước, nhưng ông Giáo muốn quả cam đi xa hơn, có thể trở thành sản phẩm chủ lực và tạo được tiếng vang cho địa phương – nơi có giống cam tiến Vua nức tiếng.
Ông Giáo mời các vị lãnh đạo trong Tổng Công ty Hàng không Việt Nam đến tham quan trang trại cam của mình và đặt vấn đề đưa quả cam lên máy bay phục vụ khách.
Hương vị, chất lượng của cam chinh phục được nhiều người, nhưng để lên máy bay, cần phải trải qua quy trình kiểm định ngặt nghèo. Sau hơn 10 ngày qua nhiều bước thẩm định, cam của ông Giáo đáp ứng tất cả yêu cầu và được hãng hàng không đồng ý thu mua.
Tháng 11/2023, những quả cam đầu tiên di chuyển trong ngày để có mặt trong các suất ăn của hãng hàng không quốc gia, đi khắp thế giới. Từng quả cam được chỉ dẫn địa lý với khách đi máy bay.
“Anh bạn tôi là người Nghệ An, hiện sống ở Australia, thưởng thức cam trên hành trình từ Việt Nam đi. Khi đặt chân xuống sân bay, anh gọi điện, cứ xuýt xoa mãi về từng múi cam, về niềm tự hào khi đọc giới thiệu về quả cam xứ Nghệ trên chuyến bay. Tôi nghe mà lặng người đi. Còn gì sung sướng hơn khi quả cam của mình được khách hàng đón nhận và tự hào như thế?.
Hiện, mỗi ngày chúng tôi cung ứng cho đối tác 2 tấn cam. Cam cắt, vận chuyển và giao ngay trong ngày, để giữ được chất lượng và hương vị.
Tuy nhiên, do yêu cầu bảo quản của hãng hàng không, cam khi đến tay thực khách trên các chuyến bay đã bị bảo quản lạnh, điều này khiến cam không thể giữ được đúng hương vị của nó”, ông Giáo trăn trở về chất lượng múi cam trước khi được khách thưởng thức ở trên trời.
Theo tính toán của ông Trịnh Xuân Giáo, năm 2024, cả vườn cam sẽ cho trái, 2 năm sau đạt năng suất cao điểm, dự kiến khoảng 1.500 tấn quả/năm. “Mục tiêu của tôi không phải là bán được giá cao mà để quả cam Nghệ An vươn ra thế giới, phục vụ và chinh phục khách quốc tế. Bên cạnh đó, người dân nào trong nước cũng có thể thưởng thức đặc sản cam tiến Vua”, ông Giáo nói.
Với mức giá 40.000 đồng/kg và sản lượng 1.500 tấn/năm, mục tiêu đề ra của “nhà nông nghiệp tay ngang” này hoàn toàn trong tầm tay nhưng ông không muốn dừng ở đó. Ông nói, ở thời đại này, nếu dừng lại là tụt hậu. Quả cam nếu chỉ là ăn múi thì bị bó hẹp theo mùa, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng là quanh năm.
“Tôi đang nghiên cứu sản xuất bột cam. Nước cam ép được chưng cất cao tần, trở thành bột cam, như sữa bột thông thường ấy. Bột cam sẽ đóng vào các hộp thiếc hay gói như cà phê.
Cứ thử tưởng tượng, giữa ngày hè nóng nực, thưởng thức một ly nước bột cam mát lạnh, sẽ mê li thế nào? Đó là nước ép, còn vỏ cam, tôi sẽ dùng để sản xuất nước rửa bát hữu cơ. Ngay cả hạt cam, vỏ cam, tôi cũng tìm thấy một số nghiên cứu khẳng định chứa hoạt chất chống cảm rất tốt…”, ông Giáo say sưa nói về những dự định của mình.
Ảnh: Hoàng Lam – Nhân vật cung cấp
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply