“Đi làm kiếm tiền và tích lũy kinh nghiệm”
Vừa tốt nghiệp THPT, anh Phạm Văn Lộc (trú tại thôn 11, xã Nam Dong, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) được bố mẹ tạo điều kiện để học tiếng Nhật.
Sau hơn 3 tháng học tiếng kết hợp với học nghề mộc, cuối năm 2015, Lộc lên đường sang Nhật Bản làm việc, diện đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn.
Sau một thời gian làm việc, anh Lộc trả được số tiền mà bố mẹ vay mượn trước đó. Ngoài ra, tận dụng lợi thế kinh nghiệm và khả năng giao tiếp, Lộc động viên thêm 4 người em khác của mình sang Nhật làm việc.
Anh Lộc chia sẻ: “Hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn vì nhà có đến 9 anh em. Tôi là con đầu nên khi vừa tốt nghiệp THPT đã xác định đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) để phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Quá trình sinh sống tại nước bạn, nhận thấy môi trường làm việc hiện đại, thu nhập ổn định nên tôi rủ thêm 4 người em khác sang Nhật làm việc. Hiện tôi vẫn còn 3 người em đang học tập, làm việc tại Nhật Bản”.
Cuộc sống gia đình đã hết khó khăn, không còn chịu áp lực về gánh nặng kinh tế, anh Lộc và các em học hỏi, tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm để có thể phục vụ công việc sau khi trở về nước.
Hơn một năm trước, ông Trần Đình Thanh (tổ dân phố 8, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) cũng cho con trai là Trần Đình Dương học tiếng và sang Hàn Quốc làm việc. Vài tháng sau, người con gái thứ 2 của ông Thanh cũng theo chân anh qua xứ sở kim chi.
Chia sẻ về quyết định cho con đi lao động ở nước ngoài, ông Thanh cho biết: “Gia đình cho cháu đi nước ngoài làm việc để có kinh nghiệm và vốn để sau này về nước, có thể tự lập được. Hiện cháu làm việc cho một công ty gia đình, hàng tháng đều đặn gửi tiền về để bố mẹ giữ giúp”.
“Vượt đích” xuất khẩu lao động
Trở về sau nhiều năm lao động tại Nhật Bản, anh Phạm Văn Lộc hiện làm việc cho một chi nhánh của công ty chuyên về XKLĐ. Hàng tháng, chi nhánh có khoảng 7- 8 người sang Nhật để làm việc, trong số này có cả lao động là người dân tộc thiểu số.
Theo đánh giá của anh Lộc, lực lượng lao động của Đắk Nông nói riêng rất dồi dào, trẻ và nhu cầu việc làm cao. Nhìn chung, các lao động đều chăm chỉ, chịu khó và nhanh thích ứng với môi trường làm việc.
Từ năm 2022 tới nay, tỉnh Đắk nông đã triển khai nhiều biện pháp để đạt mục tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Nhờ thông thoáng về cơ chế, chính sách cùng với sự đa dạng về hình thức liên kết, đào tạo nên việc đưa lao động sang nước ngoài làm việc thuận lợi và đạt kết quả cao.
Với thế mạnh là lực lượng lao động trẻ, nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài lớn, năm 2023, tỉnh Đắk Nông có hơn 600 người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn.
Hạn chế lớn của nguồn lao động tỉnh Đắk Nông thể hiện trong quá trình đưa lao động ra nước ngoài là trình độ không đồng đều. Vẫn còn trình trạng người lao động chưa chấp hành nghiêm quy định lao động của quốc gia sở tại.
Ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, cho rằng phần lớn người lao động (NLĐ) của tỉnh khi ra nước ngoài làm việc chủ yếu được đào tạo tiếng, còn phần kỹ năng nghề nghiệp chỉ được đào tạo ngắn hạn, thậm chí là đào tạo sơ sài. Điều này ảnh hưởng tới chất lượng công việc, thu nhập và tính bền vững của chính NLĐ khi làm việc cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực xuất khẩu, nâng cao vị thế của người lao động tỉnh Đắk Nông, ngành LĐTB&XH đã tính toán đến các phương án đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, qua đó làm tăng sức cạnh tranh của nhân lực khi làm việc ở nước ngoài.
“Năm 2024, tỉnh Đắk Nông đặt chỉ tiêu đưa khoảng 200 người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động có thời hạn. Bên cạnh công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động, chúng tôi tăng cường phối hợp với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường quốc tế”, ông Hoàng Viết Nam chia sẻ về nhiệm vụ trong thời gian tới.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply