Mong nhiều việc làm hơn nữa
Theo thông báo của công ty, ngày 15/2 (mùng 6 Tết Giáp Thìn), những công nhân như chị Trần Thị Minh quay trở lại nhà máy làm việc.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, tính đến 9h00 ngày 15/2 (tức ngày mùng 6 Tết), có 80,78% doanh nghiệp đã mở xưởng để sản xuất với 88,67% số công nhân lao động trở lại làm việc (số công nhân lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp đã mở cửa sản xuất).
Theo đơn vị này, con số trên dự báo sẽ tiếp tục tăng bởi số doanh nghiệp còn lại dự kiến sẽ mở xưởng làm việc từ thứ hai, ngày 19/2 (tức ngày 10 Tết).
Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thủ đô ổn định, không xảy ra đình công, ngừng việc tập thể. Tư tưởng công nhân lao động ổn định, có tinh thần phấn khởi để bắt tay ngay vào công việc khi quay trở lại làm việc.
Trước đó 1 ngày, chị Minh cùng nhiều đồng nghiệp khác di chuyển từ Nghệ An ra Hà Nội trên chuyến xe miễn phí trở lại thủ đô. Nhờ đó, gia đình chị cũng tiết kiệm được một số tiền nho nhỏ, dành để chi tiêu những việc cần thiết hơn.
Chị Minh cho biết: “Ngày làm việc đầu năm mới, công nhân của công ty đều quay trở lại làm việc đầy đủ. Ai cũng mang tinh thần hồ hởi trong không khí năm mới”.
Kết thúc 8 giờ làm việc, chị Minh trở về căn phòng trọ rộng chừng 15m2 tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Đầu năm mới, công ty điện tử mà chị làm việc trong Khu công nghiệp Thăng Long vẫn chưa nhiều đơn hàng, công nhân chỉ làm việc theo giờ hành chính.
Chính vì vậy, mong mỏi của chị Minh là có nhiều việc làm hơn nữa trong năm. Từ đó, chị không còn nhận mức lương cơ bản, phụ cấp vỏn vẹn 7 triệu đồng nữa. Có thu nhập cao hơn, gia đình chị lại thêm một khoản cho chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày.
Phần lớn công nhân đã trở lại nhà máy
Ngày 15/2 là ngày đi làm đầu tiên, phần lớn các doanh nghiệp tại 8 khu công nghiệp của tỉnh Hà Nam đã trở lại làm việc bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Thống kê, hiện có 374/448 doanh nghiệp với 71.717 lao động đã quay trở lại làm việc (đạt 83,5% tổng số doanh nghiệp), một số doanh nghiệp còn lại sẽ bắt đầu làm việc vào ngày thứ 2 tuần sau.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, trong dịp Tết Nguyên đán 2024, đa số các doanh nghiệp cho người lao động nghỉ tết 7 ngày theo quy định, từ ngày 8/2 đến 14/2.
Các doanh nghiệp thuộc địa bàn các khu công nghiệp tỉnh, huyện Yên Dũng, ngành xây dựng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Một số doanh nghiệp cho công nhân nghỉ đến ngày 15/2 thuộc huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Lạng Giang, Lục Ngạn, thành phố Bắc Giang và Công đoàn ngành Công Thương.
Đặc biệt, có 9 doanh nghiệp cho lao động nghỉ dài, nghỉ sớm. Theo đó, 3 doanh nghiệp cho công nhân nghỉ sớm từ ngày 3/2 đến ngày 15/2, 6 doanh nghiệp nghỉ 10-13 ngày.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang, có 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ và hoạt động sản xuất trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Tổng số công nhân ở lại trực, lao động sản xuất 2.793 người; trong những ngày làm việc công nhân được doanh nghiệp trả 300-400% lương; có 705 công nhân ở lại các khu nhà trọ để thực hiện hoạt động lao động sản xuất trong kỳ nghỉ Tết.
Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Theo đó, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức chương trình “Tết không xa nhà” tặng quà, lì xì cho 600 công nhân không về quê ăn Tết để lao động sản xuất, ở lại các khu nhà trọ; tặng quà cho 61 lao động bị mất việc làm, bị nợ lương với tổng số tiền 30,5 triệu đồng…
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply