Ngày 19.2, bà Lượng Thị Tới, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết qua công tác theo dõi tình hình lao động, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp (khu vực chính thức) là hơn 2,5 triệu người, trong đó lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao là 299.285 người.
Về thưởng Tết Nguyên đán năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp đều thông báo đến người lao động việc trả lương, trả thưởng trước khi nghỉ tết. Khảo sát cho thấy mức tiền thưởng bình quân khoảng 12,3 triệu đồng/người.
Đường phố TP.HCM lại ken đặc người và xe sau tết
Mức thưởng cao nhất thuộc doanh nghiệp ngành điện tử – công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm, phát triển phần mềm, thương mại…; các doanh nghiệp sản xuất quy mô nhỏ, các doanh nghiệp sử dụng lao động giản đơn có mức thưởng thấp hơn.
Thời gian nghỉ tết trung bình từ 8 – 9 ngày, trong đó nhiều doanh nghiệp kết hợp bố trí giải quyết phép năm để người lao động có đủ thời gian về quê thăm gia đình. Đa số các doanh nghiệp bố trí cho người lao động nghỉ tết trong khoảng thời gian từ ngày 3 – 7.2 và thời gian quay lại làm việc sau tết trong khoảng thời gian từ ngày 15 – 20.2.
Tỷ lệ thiếu hụt lao động sau tết dưới 3%
Để nắm bắt tình hình lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2024, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã phối hợp các địa phương, Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình lao động trong các doanh nghiệp trước, trong và sau tết.
Qua khảo sát nhanh tại các doanh nghiệp và thông tin từ Phòng LĐ-TB-XH các quận, huyện và TP.Thủ Đức, Liên đoàn Lao động TP.HCM và các đơn vị liên quan cho thấy trong dịp tết, một số doanh nghiệp tổ chức cho người lao động làm việc xuyên tết.
Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM ghi nhận có 13 doanh nghiệp tổ chức làm việc xuyên tết với 1.544/6.566 lao động; ngoài ra một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, vận tải… tại các khu vực tập trung đông khách du lịch và người người dân tham quan, mua sắm.
Ngày 15.2 (mùng 6), đối với các cơ quan, đơn vị (trừ trường học công lập) và doanh nghiệp nhà nước, hầu hết người lao động đã quay trở lại làm việc, tỷ lệ gần 99%. Đối với tình hình người lao động tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có đông lao động, tỷ lệ doanh nghiệp trở lại hoạt động khoảng 65% với tỷ lệ lao động vào làm việc là 85%.
Do thời gian quay trở lại làm việc sau tết rơi vào các ngày thứ năm, thứ sáu cuối tuần nên một số doanh nghiệp tạo điều kiện cho người lao động nghỉ phép năm, nhất là lao động ở các tỉnh xa về quê ăn tết.
Tính đến ngày 19.2 (mùng 10), tỷ lệ doanh nghiệp đã hoạt động trở lại khoảng 98%, tỷ lệ người lao động quay trở lại làm việc là 97%.
Theo nhận định của các doanh nghiệp, tỷ lệ thiếu hụt lao động sau tết dưới 3%, tập trung tại các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện – điện tử, kinh doanh bảo hiểm – tài chính…
So với năm 2023, tỷ lệ lao động quay trở lại làm việc sau tết không có nhiều thay đổi vì tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong năm 2023 vẫn còn nhiều khó khăn do biến động khó lường của kinh tế toàn cầu nên người lao động mong muốn ổn định việc làm, gắn bó với doanh nghiệp hơn trong năm 2024.
Mặt khác, hoạt động sản xuất kinh doanh đang có nhiều dấu hiệu tích cực với việc một số doanh nghiệp tiếp nhận được các đơn hàng sản xuất trong 6 tháng đầu năm 2024 ngay thời điểm cuối năm 2023.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply