16h, quán hủ tiếu mì Giai Ký (Giai Ký Mì Gia, quận 5, TPHCM) mở cửa. Phía bên ngoài, nhiều thực khách đã đứng chờ sẵn, nhanh chân ngồi vào bàn để được thưởng thức món ăn.
Không gian quán khá nhỏ, chỉ vừa để đủ 4 chiếc bàn bên trong và 1 chiếc bên ngoài. Nhiều người dù đến rất sớm nhưng vẫn vui vẻ ngồi chờ vì quán đã hết chỗ ngồi.
“Cho một tô bún gạo thập cẩm, giống trong phim Mai nhé!”, một thực khách nói nửa đùa, nửa thật.
Đáp lời thực khách xong, anh Huỳnh Gia Cường (33 tuổi, chủ quán) tay phải thoăn thoắt trụng bún, mì, tay trái bỏ xá xíu, lòng heo, bò viên vào chiếc tô.
Đổ một gáo nước lèo để hoàn thành tô bún gạo thơm lừng, nóng hổi, anh Cường bưng món ăn đặt trước mặt vị khách đang chờ đợi, háo hức. Anh Cường cho biết, quán phục vụ 5 món, giá từ 45.000 đồng/tô, tùy yêu cầu của thực khách.
Quán của anh có đặc trưng với cách nấu nước lèo chuẩn của người Hoa, không giống các quán hủ tiếu khác. Thông thường, nước lèo được nấu từ mực, tôm khô, còn ở Giai Ký Mỳ Gia được chế từ lòng heo.
Dù công việc bận rộn, anh Cường luôn tươi cười, khéo léo nhờ thực khách đến sau ngồi chờ tới lượt vào bàn.
“Sau phim Mai, quán của tôi được ủng hộ rất nhiều nên tôi thấy vui lắm. Quán đã bán được 40 năm rồi, không ít khách quen nhưng quả thật đây là lần đầu chúng tôi có cảnh quá tải như này. Món bún gạo khô thập cẩm giờ được ủng hộ nhiều hơn, nhờ được nhân vật trong phim chọn ăn”, anh Cường cười.
Anh Cường cho biết, trước đây, quán bán từ 16h đến 3h sáng ngày hôm sau, nhưng giờ phải đóng cửa lúc 23h30 khuya vì hết hàng sớm.
Phương Oanh (học sinh trường THPT Phạm Phú Thứ) cùng bạn bè đến quán sau khi xem bộ phim Mai.
“Chúng tôi vốn rất thích đến các quán ăn truyền thống, có không gian cổ xưa một chút, lúc ăn cảm giác ngon hơn. Tôi cũng từng ăn nhiều món do người gốc Hoa nấu. Dù đây là lần đầu đến quán này, tôi kỳ vọng sẽ được thưởng mức đồ ngon vì mới bước vào đã nghe mùi vị hấp dẫn”, Oanh hào hứng.
Càng về chiều tối, quán càng đông khách. Chủ quán phải kê thêm bàn, ghế và phục vụ không kịp nghỉ. Nhiều thực khách quen ăn khuya tại quán hủ tiếu này giờ đây phải tranh thủ đến sớm hơn, vì đến trễ sẽ phải ra về với cái lắc đầu “hết món” của chủ quán.
Từ khi bộ phim ra rạp, mỗi ngày, quán bán hàng trăm tô bún, mì. Chủ quán phải dậy từ 4h, chuẩn bị nguyên liệu gấp đôi để kịp phục vụ thực khách.
Theo bà Huỳnh Bội Trân (71 tuổi), mẹ anh Cường, quán mì được chồng bà mở từ 40 năm trước. Khi ba qua đời, anh Cường là người nối nghiệp gần 10 năm nay.
Bà Trân bộc bạch, thời gian đầu mới mở bán, vợ chồng bà đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả.
“Nghề này cực nhất là khâu chuẩn bị nguyên liệu, vì phải dậy từ sớm chọn những thứ tươi ngon, chất lượng nhất. Khâu nêm nếm nước lèo, gia vị cũng rất quan trọng, là yếu tố quyết định chất lượng món ăn, níu chân thực khách”, bà Trân nói.
Bà Trân cho hay trước khi lên hình trong bộ phim Mai, quán ăn của bà đã được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Trấn Thành, Anh Đức, Vũ Linh đến ủng hộ, trở thành “bạn hàng quen”.
Sau hơn 40 năm vận hành, anh Cường chia sẻ, bí quyết để quán thành công là nhờ cái tâm của người bán. Mặc dù quán luôn trong tình trạng “quá tải”, các thành viên trong gia đình anh Cường chưa từng tỏ thái độ cáu gắt. Hơn nữa, khâu chế biến món ăn rất quan trọng nên anh Cường cũng không vội vã mà từ tốn chuẩn bị chỉn chu.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply