Quyết định “nhảy việc” từ trong năm
Đặt chân đến ga Sài Gòn (quận 3, TPHCM), chị Tố Như (30 tuổi, quê tại tỉnh Quảng Ngãi) bất ngờ nhận được tờ rơi giới thiệu việc làm từ quầy tư vấn miễn phí, do Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM tổ chức.
Tay trái cầm tờ rơi, tay phải lỉnh kỉnh hành lý, chị Như đắn đo giây lát rồi quyết định nhanh chóng về nhà trọ lấy hồ sơ, nộp đơn “nhảy” việc.
Chị Như cho biết chị hiện là nhân viên chăm sóc khách hàng trực tuyến. Thời gian đầu, mức lương của chị ổn định ở khoảng 10 triệu đồng/tháng, nhưng nửa cuối năm 2023, thu nhập này giảm chỉ còn 7 triệu đồng/tháng.
Nguyên nhân, công ty gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm dẫn đến lương thưởng cũng bị cắt giảm theo.
Trước tình hình đó, chị Như quyết định cầm cự qua Tết Nguyên đán 2024 để nhận thưởng cuối năm, rồi sẽ tìm công việc mới khi trở lại thành phố sau kỳ nghỉ.
Nhiều ngày qua, chị đã viết sẵn đơn nghỉ việc. Song, vì chưa tìm được chỗ làm mới, sợ rơi vào cảnh thất nghiệp, chị vẫn chưa gửi đơn.
“Khu vực tôi làm việc là ở trung tâm thành phố nên giá thuê trọ, ăn uống, dịch vụ đều rất đắt đỏ. Dù chỉ sống một mình, mức lương 7 triệu đồng cũng không đủ cho tôi chi tiêu hằng tháng. Thời gian qua, tôi đã phải trích tiền tiết kiệm để bù vào các tháng thiếu hụt. Giờ hết khả năng cầm cự rồi, tôi phải chuyển việc thật sớm”, chị nói.
Theo đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM, từ 21-29/2, đơn vị cử cán bộ đặt bàn, treo băng rôn, phát tờ rơi và tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí cho người lao động tại các địa điểm công cộng.
Cụ thể là tại bến xe miền Tây (quận Bình Tân), bến xe miền Đông (TP Thủ Đức), bến xe An Sương (huyện Hóc Môn), ga Sài Gòn (quận 3).
Trong đó, nhiều công ty dệt may cũng cử chuyên viên tuyển dụng ngồi tại các quầy tư vấn, giới thiệu hàng trăm vị trí việc làm cho người lao động.
Khi đến ga tàu Sài Gòn, nhìn thấy thông tin tuyển dụng, chị Như lập tức rẽ vào xem, xin ứng tuyển với mong muốn có công việc với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Tại bến xe miền Tây, nhiều người cũng vừa trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ dài. Chị Nguyễn Thị Nhung (quê tại Đồng Tháp) là một trong những người lao động có nhu cầu “nhảy” việc ngay trong ngày đầu quay lại thành phố.
Thiếu hụt nhân công ở các ngành thâm dụng lao động
Ngồi tại quầy tư vấn việc làm, chị Nhung cho hay vốn là công nhân tại khu chế xuất Tân Thuận (quận 7). Tuy nhiên, năm ngoái, chị đã về quê tìm một công việc tạm thời, để tiện ở gần chăm sóc mẹ già, con nhỏ.
Sau Tết Nguyên đán 2024, chị quyết định trở lại thành phố để tìm công việc mới. Vì thế, ngay khi vừa thấy thông tin tuyển dụng ở bến xe, chị đã vội ghé vào.
Theo đại diện Công ty CP May Việt Tiến, đơn vị dự định tuyển 200 nhân sự tại nhiều vị trí, với mức lương 11-30 triệu đồng/tháng. Sau Tết, công ty có đơn hàng ổn định nên cần tuyển dụng bổ sung nhiều lao động để ổn định sản xuất.
Đại diện Công ty CP Takahiro cho hay doanh nghiệp này cần tuyển gấp 300 nhân viên cho các vị trí thuộc khối văn phòng và khối nhà hàng, với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng.
“Trước Tết, nhiều nhân sự xin nghỉ vì không đáp ứng được lịch làm Tết. Vậy nên, chúng tôi đành tuyển tạm nhân viên thời vụ để phục vụ cho dịp lễ lớn”, vị đại diện doanh nghiệp chia sẻ.
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM, tỉ lệ thiếu hụt lao động sau Tết 2024 chỉ dưới 3%. Khu vực thiếu hụt nhiều nhất là ở các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành có sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện – điện tử, kinh doanh bảo hiểm – tài chính…
Ngoài ra, TPHCM cần khoảng 52.000 chỗ làm việc cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh đầu năm.
Nhu cầu tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ (chiếm 70,56% tổng nhu cầu nhân lực). Khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 28,66%.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply