Đứng đường bán cà phê để… được gần vợ
“Sao công việc đang ổn định, lương cao lại bỏ, lăn lộn ngoài đường bán cà phê cho cực khổ”, đó là những lời mà Nguyễn Văn Hay (41 tuổi, quê Mỹ Đức, Hà Nội) nghe người thân, bạn bè bóng gió suốt một thời gian sau khi anh quyết định bỏ công việc kỹ sư về quê để được gần vợ.
Năm 2005, sau khi tốt nghiệp trường đại học Mỏ – Địa chất, anh Hay trở thành kỹ sư của một công ty khai thác khoáng sản có tiếng ở Quảng Ninh. Thu nhập 15 triệu đồng/tháng lúc đó giúp chàng trai trẻ sống cuộc sống thoải mái, song anh từ bỏ, về quê “làm lại từ đầu”.
“Lập gia đình rồi tôi nhận ra mình phải thay đổi, tôi ở Quảng Ninh còn vợ ở Hà Nội, hai vợ chồng ít có thời gian bên cạnh nhau. Chứng kiến không ít gia đình tan vỡ vì mỗi người mỗi nơi nên tôi nghĩ phải về ở gần vợ, cả hai cùng vun vén mới hạnh phúc”, anh Hay nhớ lại.
Năm ấy 31 tuổi, anh Hay quyết định bỏ việc kỹ sư mà không ít người ao ước. Gia đình, bạn bè không khỏi bất ngờ, tiếc nuối thay cho anh. Về Hà Nội, anh nghĩ ngay đến việc bán cà phê dạo bởi mô hình kinh doanh này ngoài Bắc ít người làm. Nghĩ rồi, anh hào hứng bắt tay vào làm. Anh tin rằng chỉ cần có ý chí, thành công rồi sẽ đến.
Anh tính, so với mở quán, bán cà phê dạo thuận tiện lại không mất tiền thuê mặt bằng, bàn ghế hay đồ trang trí và dễ thu hút khách nếu sản phẩm chất lượng.
Chiếc “cần câu cơm” của anh Hay từ những ngày đầu cho tới bây giờ vẫn khá đơn giản. Chiếc xe dream cũ, thùng xốp trữ lạnh, chai nhựa đựng cà phê pha sẵn, cốc nhựa uống một lần. Để quảng bá cho thương hiệu của mình, anh in thêm chữ quanh chiếc thùng xốp với nội dung: “Hay cà phê, uống là để nhớ” in kèm số điện thoại. Thế là anh đi khắp nơi bán cà phê.
“Thời gian đầu khởi nghiệp, tôi bán ở chợ Ninh Hiệp, sau đó lang thang xuống tận bến xe Gia Lâm, ở đâu có khách gọi thì chạy tới, phục vụ tận nơi. Chân ướt chân ráo khởi nghiệp, tôi trân trọng, đếm từng cốc cà phê mình bán được.
Đêm đến, tôi lại ngồi pha cafe rồi tự mình nếm thử, có đêm pha cả chục cốc. Thấy vậy, vợ còn tưởng tôi bị hâm”, anh Hay kể.
Sau thời gian dài tìm hiểu về các loại cà phê, vừa bán vừa nghiên cứu pha chế, anh Hay đã có công thức cơ bản cho riêng mình. Chấp nhận lãi ít, anh nhập nguyên liệu chất lượng tốt và không pha trộn để giữ hương vị cà phê đậm đà, thơm lâu. Sau 3 năm, “cà phê Hay” 12.000 đồng dần hút khách.
“Mục tiêu tôi hướng đến là bán được càng nhiều càng tốt nhưng sản phẩm phải an toàn, chất lượng. Do đó, mỗi lần pha chế, tôi đặt mình vào vị trí khách hàng để thử cà phê, khi nào pha được cốc cà phê ngon nhất, khi đó mới bán”, ông chủ xe cà phê dạo chia sẻ.
Ngày bán vài trăm cốc, làm “đại gia” đời mình
Hiện ở chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), không ai không biết thương hiệu “Hay cà phê” và gương mặt của người đàn ông với cái tên dễ nhớ. Anh được ví như “người nổi tiếng” trong giới cà phê dạo.
Mỗi ngày, sau khi đưa con đi học, anh bắt đầu “đứng đường” bán cà phê, đến 17h chiều anh thu dọn đồ đạc về đón con. Ngày mưa cũng như ngày nắng, chỉ cần thấy anh Hay xuất hiện là khách quen nườm nượp kéo đến. Trung bình mỗi ngày anh Hay bán hết 30-35 lít cà phê cô đặc, tương đương 400 cốc đã pha chế, giá từ 12.000-20.000 đồng/cốc. Doanh thu 6-7 triệu đồng/ngày.
Ngoài ra, anh nhận dạy nghề và chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều người muốn khởi nghiệp cà phê dạo. Nhờ đó, thu nhập của anh tăng lên đáng kể, mỗi ngày anh bán được 50-70kg cà phê bột cho những người đang kinh doanh theo mô hình này.
“Bất kỳ ai muốn khởi nghiệp, muốn kinh doanh theo mô hình nhỏ như tôi, tôi đều sẵn sàng chia sẻ. Càng nhiều người thành công, tôi càng bán được nhiều cà phê bột, tất cả cùng nhau phát triển”, anh Hay nói.
Dù đắt khách, cà phê của anh Hay vẫn giữ giá 12.000 đồng/cốc. “Trước đây, cà phê được xem như một loại thức uống xa xỉ, chỉ người Sài Gòn mới được thưởng thức. Còn hiện tại, khi mang cà phê đường phố ra Bắc, tôi vẫn cam kết giữ chất lượng, giá cả hợp lý để ai cũng mua được ly đồ uống mỗi ngày”, anh Hay tâm niệm.
“Anh này trông người cũ cũ, đi xe xấu thế thôi nhưng ngày bán gần 1.000 cốc cà phê, kiếm tiền giỏi như dân buôn quần áo. Mới mấy năm mà mua được đất, xây nhà tiền tỷ”, một vị khách quen cảm phục.
Không phủ nhận tin đồn, anh Hay chia sẻ, chính quyết định đầy táo bạo 10 năm trước đã khiến cuộc đời anh rẽ sang một trang mới. Lúc 2 vợ chồng mỗi người mỗi nơi, anh ít có thời gian bên cạnh, chăm sóc vợ con. Bỏ việc nhiều người ao ước về “đứng đường” tuy vất vả hơn, song anh được gần người thân, buổi tối có thời gian nghỉ ngơi, quây quần bên gia đình.
“Đến nay, vợ chồng tôi mua được mảnh đất 75m2 và xây được nhà đều từ công việc bán cà phê dạo. Đó là sự cố gắng của cả hai vợ chồng”, anh Hay nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply