Mạng xã hội đang lan truyền hình ảnh thể hiện câu chuyện một nhân viên tại tiệm trà sữa W. ở TPHCM nhận thông báo phạt đến 300.000 đồng vì đã đóng cửa tiệm sớm hơn 1 phút so với giờ quy định.
Trong nhóm chat, người quản lý gửi dòng tin nhắn: “Ca tối nay đóng cửa sớm 1 phút. Anh sẽ gán phạt lỗi D6 – lỗi nghiêm trọng – phạt 300.000 đồng”.
Nhanh chóng, hình ảnh này thu hút hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác. Nhiều người tỏ ra bức xúc vì số tiền phạt “gán” cho nhân viên quá cao.
Không ít người còn đặt câu hỏi: “Trong trường hợp nhân viên phải ở lại xử lý công việc, đóng cửa trễ 1 phút, quản lý có thưởng cho họ không?”.
Trong khi đó, một số người bày tỏ quan điểm, quy định đã được đặt ra, nhân viên vi phạm thì phải chịu phạt. Tuy nhiên, mức phạt trên là quá cao và cách xử lý của người quản lý quá cứng nhắc.
Đăng tải thông tin phản hồi trên trang mạng xã hội, anh H., đại diện tiệm trà sữa W. xác nhận sự việc xảy ra.
“Trước tiên, tôi xin thay mặt công ty xin lỗi cộng đồng và nhân viên nói trên về sự việc đã xảy ra. Thương hiệu trà sữa của chúng tôi có hơn 30 chi nhánh ở khắp Hà Nội và TPHCM. Vì vậy, khâu quản lý, quy định được vận hành rất nghiêm ngặt.
Sự việc xảy ra đã cho chúng tôi bài học trong việc giải quyết rõ ràng về quy định, trách nhiệm giữa nhân viên và quản lý. Một phút không phải quá dài nhưng nó có thể ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng phục vụ khách hàng”, đại diện công ty nói.
Theo anh H., trong một phút đó, nếu không may có đơn hàng trên ứng dụng giao hàng trực tuyến, mà cửa hàng lại thông báo đóng cửa sớm hơn thì sẽ làm khách hàng không hài lòng. Ngoài ra, ứng dụng giao hàng cũng có thể sẽ khóa tài khoản của tiệm.
Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TPHCM) chỉ rõ, việc doanh nghiệp phạt tiền người lao động là không đúng với quy định pháp luật.
Cụ thể, Điều 127 Bộ luật Lao động 2019, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động, gồm: Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động; phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Ngoài ra, theo điểm b, khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, quy định về mức xử phạt khi công ty yêu cầu phạt tiền người lao động vi phạm, người sử dụng lao động có hành vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động, sẽ bị xử phạt hành chính 20-40 triệu đồng tùy vào mức độ hành vi .
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply