Ngày 1/4, tại Hội nghị góp ý dự án luật Việc làm (sửa đổi) do liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức, nhiều đại biểu góp ý cần bỏ quy định thời gian học sinh, sinh viên làm thêm được đề cập đến trong điều 30 của dự thảo.
Ông Lưu Đức Quang, giảng viên trường ĐH Kinh tế – Luật (thuộc Đại học quốc gia TPHCM), đánh giá: “Khoản 1 điều 30 quy định học sinh, sinh viên trong độ tuổi lao động không được làm việc quá 20 giờ trong 1 tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ trong 1 tuần trong kỳ nghỉ là không hợp lý”.
Theo ông Lưu Đức Quang, quy định này có ba điểm bất hợp lý.
Thứ nhất, quy định này hạn chế thời gian làm thêm, quyền lợi làm việc của sinh viên một cách thiếu chính đáng. Theo ông, nếu nói quy định này được xây dựng dựa vào kinh nghiệm của nước ngoài là chưa thấu đáo. Bởi các nước kiểm soát thời gian làm thêm của du học sinh chứ không hạn chế thời gian làm thêm của sinh viên nước mình.
Lý do là để ưu tiên bảo đảm quyền làm việc của công dân nước sở tại (trong đó có sinh viên). Hơn nữa, tuyệt đại đa số sinh viên là người thành niên nên họ hoàn toàn đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để chịu trách nhiệm với việc học của chính mình.
Thứ hai, hiện các trường đại học, cao đẳng đều thực hiện đào tạo theo quy chế tín chỉ. Từ đó, sinh viên sẽ chủ động trong việc đăng ký tín chỉ; có sinh viên học 3-3,5 năm đã hoàn tất chương trình, sinh viên cũng có thể đăng ký hoàn tất chương trình học tối đa đến 8 năm.
Đồng thời, chương trình đào tạo ở nhiều trường cũng được vận hành gần như liên tục nên khái niệm “kỳ học” hay “kỳ nghỉ” ngày càng xa lạ với sinh viên. Do vậy, việc quy định thời gian làm thêm tối đa trong 1 tuần trong kỳ học để không ảnh hưởng việc học là không đủ căn cứ.
Thứ ba, hiện mạng lưới an sinh xã hội của chúng ta chưa hoàn thiện, cơ chế cho vay trợ giúp sinh viên học tập còn hạn chế. Nếu có thêm quy định này thì sẽ có nhiều sinh viên không đủ khả năng theo đuổi việc học. Lợi bất cập hại là điều có thể dự báo.
Do đó, ông Quang đề nghị bỏ khoản 1 và khoản 4 điều 30 (quy định cơ sở giáo dục phải có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian).
Ông Quang khẳng định: “Trong bối cảnh tự chủ đại học, các cơ sở giáo dục đại học sẽ không có động lực để triển khai và cũng không đủ nguồn lực để quản lý có hiệu quả việc này”.
Theo ông, đến nay cơ quan quản lý nhà nước về lao động cũng không thể thống kê hoặc kiểm chứng được thời gian làm việc của người lao động thì nói gì đến các đơn vị giáo dục; nhất là khi các sinh viên chủ yếu làm thêm công việc ở khu vực không chính thức như phục vụ quán ăn uống, bán hàng, dạy thêm…
Ông Lưu Đức Quang cho rằng, quy định điều 30 như hiện nay trong dự thảo luật mang nặng tính hình thức, nhẹ tính khả thi. Do đó, ông đề nghị bỏ quy định này hoặc thiết kế điều khoản thay thế một cách thực chất hơn.
Ông nói: “Nhà làm luật cần hướng tới bảo vệ đối tượng người chưa thành niên, đặc biệt là trẻ em nhằm xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, nghiêm cấm lạm dụng, bóc lột sức lao động trẻ em theo tinh thần Hiến pháp năm 2013 cũng như tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành”.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đặng Minh Sự (phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM), nhắc đến vướng mắc hiện nay đối với sinh viên các trường nghề.
Theo ông, trong các kỳ kiến tập, học kỳ tại doanh nghiệp thì sinh viên làm việc, tạo ra sản phẩm như lao động chính thức, được doanh nghiệp thanh toán lương nhưng các em không có hợp đồng lao động và thiệt thòi nhiều quyền lợi khác vì chưa có quy định rõ ràng.
Nay nếu luật Việc làm sửa đổi hạn chế thời gian làm việc trong 1 tuần thì rất khó khăn, vướng mắc đủ thứ.
Ông Đặng Minh Sự cho rằng: “Các em sinh viên đi làm thêm, kiến tập thì chúng ta nên xem các em như một người lao động bình thường; có cơ chế hỗ trợ, quản lý các em. Nếu chúng ta cấm luôn thì không có gì hỗ trợ để các em phát triển tay nghề khi còn ngồi trên ghế nhà trường”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply