Ngày 2.4, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) cho biết theo kết quả khảo sát của đơn vị tại 14.300 lượt doanh nghiệp với hơn 82.600 chỗ làm việc, cho thấy thị trường lao động quý 1/2024 tại TP.HCM sôi động hơn. Nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng tới 11,22% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, nhu cầu nhân lực tại TP.HCM tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại – dịch vụ với 53.525 chỗ làm việc (chiếm 64,8% tổng nhu cầu nhân lực và tăng 14,63% so với quý 1/2023); khu vực công nghiệp – xây dựng với 29.026 chỗ làm việc (chiếm 35,14% và tăng 5,46%), khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản với 50 chỗ làm việc (chiếm 0,06% và giảm 3,85%).
Một số ngành kinh tế có nhu cầu nhân lực cao trong quý 1/2024
- Công nghiệp chế biến chế tạo cần 27.283 chỗ làm việc (chiếm 33,03% tổng nhu cầu nhân lực và tăng 13,21% so với quý 1/2023).
- Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác cần 18.684 chỗ làm việc (chiếm 22,62% và tăng 21,89%).
- Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ cần 8.219 chỗ làm việc (chiếm 9,95% và tăng 16,61%).
- Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ cần 6.881 chỗ làm việc (chiếm 8,33% và tăng 61,98%).
- Hoạt động kinh doanh bất động sản cần 6.459 chỗ làm việc (chiếm 7,82% và tăng 38,93%).
- Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm cần 3.329 chỗ làm việc (chiếm 4,03% và tăng 12,92%).
- Vận tải kho bãi cần 2.941 chỗ làm việc (chiếm 3,56% và tăng 17,46%).
- Dịch vụ lưu trú và ăn uống cần 2.511 chỗ làm việc (chiếm 3,04% và giảm 8%).
- Thông tin và truyền thông cần 2.354 chỗ làm việc (chiếm 2,85% và giảm 56,52%) và các ngành khác như xây dựng, giáo dục, y tế, làm cho nhà nước… cần 3.940 chỗ làm việc (chiếm 4,77%).
Đáng lưu ý, TP.HCM tiếp tục có nhu cầu nhân lực cao ở 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 9 ngành dịch vụ chủ yếu với 64.478 chỗ làm việc (chiếm 78,06% tổng nhu cầu nhân lực của toàn thành phố và tăng 13,06% so với quý 1/2023).
Trong đó, nhu cầu nhân lực của 4 ngành công nghiệp trọng điểm cần 18.139 chỗ làm việc (chiếm 21,96% tổng nhu cầu nhân lực) ở các ngành gồm điện tử – công nghệ thông tin; cơ khí; chế biến lương thực thực phẩm; hóa dược, cao su.
Nhu cầu nhân lực 9 ngành dịch vụ chủ yếu cần 46.339 chỗ làm việc (chiếm 56,1%) ở các ngành: thương mại; dịch vụ thông tin tư vấn, khoa học – công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính – viễn thông và công nghệ thông tin – truyền thông; giáo dục và đào tạo; y tế.
TP.HCM cần hơn 11.000 lao động phổ thông
Về trình độ kỹ thuật, nhu cầu tuyển dụng lao động tại TP.HCM chủ yếu là đã qua đào tạo với 71.432 chỗ làm việc, chiếm 86,48% trên tổng số. Chủ yếu tập trung ở một số nhóm ngành, nghề như: công nghệ thông tin; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; kế toán – kiểm toán; dịch vụ tư vấn – nghiên cứu khoa học và phát triển; marketing; nhân sự; hành chính – văn phòng – biên phiên dịch; kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng; kinh doanh quản lý tài sản – bất động sản.
Trong đó, nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên cần 17.594 chỗ làm việc, chiếm 21,30%; cao đẳng cần 15.958 chỗ làm việc, chiếm 19,32%; trung cấp cần 19.493 chỗ làm việc, chiếm 23,60%; sơ cấp cần 18.387 chỗ làm việc, chiếm 22,26%.
Với các ngành lao động phổ thông, quý 1/2024, TP.HCM cần tuyển 11.168 chỗ làm việc, chiếm 13,52%, trên tổng nhu cầu, tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành, nghề: dịch vụ du lịch – lưu trú và ăn uống; kinh doanh thương mại; dịch vụ vận tải – kho bãi – dịch vụ cảng; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dệt may – giày da.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply