Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây có văn bản báo cáo Thủ tướng, đồng thời gửi 15 cơ quan, bộ ngành lấy ý kiến về đề xuất hoán đổi ngày làm việc, cho nghỉ ngày thứ 2 (29/4), tổ chức làm bù vào thứ 7 tuần kế tiếp để kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài liên tục 5 ngày, từ 27/4 đến hết 1/5.
Đánh giá về đề xuất này, ông Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc xây dựng phương án nghỉ ở thời điểm này là kịp thời, đủ thời gian chuẩn bị, sắp xếp bởi còn gần 1 tháng nữa mới tới kỳ nghỉ lễ.
“Việc gì có lợi cho người lao động thì nên làm. Việc hoán đổi để tạo điều kiện cho người lao động có thời gian nghỉ ngơi, cũng có thời gian để kỷ niệm trong dịp lễ lớn của dân tộc”, ông Lợi nêu quan điểm.
Ông cũng phân tích, các quốc gia phát triển trên thế giới có xu hướng tăng số lượng ngày nghỉ, tổ chức những đợt nghỉ kéo dài hơn.
Dồn ghép, hoán đổi lịch nghỉ dịp nghỉ lễ Chiến thắng năm nay hợp lý vì để người lao động nghỉ 2 ngày cuối tuần, rồi đi làm 1 ngày đầu tuần xong lại nghỉ 2 ngày lễ, lắt nhắt, kém hiệu quả. Nối liền đợt nghỉ 5 ngày để mỗi người xả hơi thoải mái rồi trở lại làm việc liền 3 ngày cuối tuần thuận cho cả người lao động và công việc chung.
Ông Lợi nói thêm, trong bối cảnh khá áp lực, khó khăn hiện nay, không nên “căng” với người lao động. Tạo điều kiện để lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, giúp mỗi người vui vẻ, có sức bật tốt nhất khi quay trở lại làm việc.
Chuyên gia lao động Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH, thể hiện sự đồng tình với ông Bùi Sỹ Lợi. Bà Lan Hương cho rằng đề xuất của cơ quan quản lý lao động hợp lý nếu nhìn ở góc độ người lao động.
“Sẽ có nhiều doanh nghiệp không tán thành với đề xuất này. Tuy nhiên, nếu đề xuất được thông qua doanh nghiệp buộc phải chấp nhận, vẫn có đủ thời gian để họ điều chỉnh”, bà Hương nói.
Bà Hương nhận định, có thể phía doanh nghiệp sẽ phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất song phần đông người lao động được hưởng lợi, sẽ ủng hộ đề xuất này. Vị chuyên gia lao động phân tích, hầu hết công nhân, người lao động từ quê ra. Nghỉ dài ngày, công nhân, người lao động sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, về thăm quê.
“Nhiều công nhân vì khó khăn phải gửi con ở quê với ông bà nên được nghỉ dài ngày, người lao động sẽ có thêm thời gian thăm nom con cái, ở bên gia đình. Bên cạnh đó, việc này giúp kích cầu du lịch, tiêu dùng xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và không làm thay đổi quỹ thời gian làm việc của công chức, lao động”, bà Hương nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply