“Lần đầu nhìn thấy, tôi đã hú hét khi chiếc bánh kem được đốt cháy bùng”, một thực khách sử dụng bánh chia sẻ.
Loại bánh kem này đang rất được ưa chuộng, lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Giống những chiếc bánh gatô thông thường, bánh kem đốt cháy vẫn giữ được hương vị lẫn cốt bánh bên trong, nhưng đặc trưng nhất là lớp giấy wafer (giấy gạo) mỏng phủ trên bề mặt. Do độ an toàn cao, giấy gạo được tin dùng tại các tiệm bánh, có thể ăn được mà không có mùi vị ảnh hưởng đến hương vị bánh.
Khi đốt, ngọn lửa bùng cháy kèm theo những tia pháo nhỏ bắn ra, thiêu rụi lớp giấy wafer rồi để lộ thông điệp trong lòng chiếc bánh.
Mỗi chiếc bánh sẽ có thông điệp khác nhau tùy ý tưởng, yêu cầu của người mua, đặt bánh. Lớp thông tin bên ngoài hiển hiện ngay trên giấy gạo. Đến khi giấy wafer được đốt, lớp thông điệp thứ hai dần xuất hiện trên mặt bánh. Bí mật nho nhỏ này sẽ thành điều được mong chờ nhất.
“Vừa bất ngờ, vừa xúc động bởi tình cảm của người đặt bánh dành tặng mình. Tính độc lạ của chiếc bánh kem đốt cháy rất hấp dẫn, thú vị. Tôi nghĩ loại bánh này sẽ thành xu hướng trong thời gian tới nên quyết định làm thử và bán tại tiệm bánh của mình”, chị Linh Chi, quản lý tiệm bánh kem tại quận Bình Thạnh (TPHCM) cho biết.
Dành nguyên ngày để làm thử nghiệm bánh, chị Ly đã phải làm đi làm lại nhiều lần, nếm trải không ít lỗi.
Bà chủ tiệm bánh đã thử dùng nhiều loại giấy gạo, giấy ảo thuật khác nhau, mỗi lựa chọn đều có những nhược điểm không dễ khắc phục. Giấy gạo khó cháy, giấy ảo thuật thì không được lâu vì thấm nước mạnh, dễ bị ảnh hưởng bởi màu sắc của kem. Thông thường, gười thợ phải làm sẵn bánh, khi khách tới lấy mới lót giấy ảo thuật lên trên.
Kinh doanh mặt hàng mới được hơn 1 tháng, trung bình mỗi ngày, tiệm chị Ly bán từ 10 đến 15 chiếc bánh kem đốt cháy, giá từ 320.000 đồng trở lên (loại bánh phổ biến, đường kính 14cm). Giá bánh cũng phụ thuộc và độ khó theo yêu cầu của khách và thời gian hoàn thành.
“Thông thường, khách hàng cần đặt trước 1-2 ngày để bánh được chuẩn bị tốt, chỉn chu, trau chuốt. Có điểm cần lưu ý là bánh đốt xong sẽ có lớp tàn tro, nên gạt bỏ mỏng trên bề mặt trước khi thưởng thức.
Ngoài ra, về màu sắc, do giấy đốt dễ bị thấm, lem màu kem, chúng tôi thường tư vấn đề khách hàng chọn tông màu pastel (màu nhạt, màu “phấn” trung tính)”, bà chủ tiệm giải thích.
Anh Gia Nghiệp, chủ một tiệm bánh tại TPHCM, chia sẻ: “Để bắt kịp xu hướng và thu hút khách hàng, tiệm chúng tôi cũng kinh doanh loại bánh kem đốt cháy này”.
Bánh kem đốt cháy chiếm phân nửa tổng số lượng bánh tiệm anh Nghiệp bán ra mỗi ngày. Những dịp lễ đặc biệt như lễ tình nhân, 8/3, thợ của tiệm làm không xuể bởi số lượng đơn “khủng”.
Tại đây, bánh có giá dao động 139.000 – 430.000 đồng tùy kích thước (12-22cm), yêu cầu dùng loại giấy đốt nào (giấy gạo hoặc giấy ảo thuật).
Theo anh Nghiệp, sau trải nghiệm, nhiều khách hàng đã có phản hồi tích cực, gửi lại video ghi lại những bất ngờ thú vị chiếc bánh kem đốt cháy mang lại cho người thân, gia đình.
“Xem lại các video tôi thấy vui lắm vì đã tạo ra được chiếc bánh thú vị, ý nghĩa như vậy”, anh Gia Nghiệp nói.
Trọng Khang
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply