Tạo group kín, loại sếp ra
Chị Như (23 tuổi, đang công tác tại một công ty truyền thông ở Q.3, TP.HCM) cho hay các đồng nghiệp trong nhóm tạo một group nhắn tin riêng và group này không có sếp hay những nhân viên mà sếp ưu ái.
Ở group này, các đồng nghiệp của cô thường nói những điều chưa hài lòng về sếp của mình, nhất là về chuyện phân công công việc, sếp thiên vị người nào đó hay một quyết định nào đó liên quan dự án mới…
Tuy nhiên, các câu chuyện không đi sâu về bàn tán gia đình cá nhân, hay nhân phẩm của sếp. “Cá nhân tôi cũng tham gia, có khi tôi hùa theo bằng những câu vô thưởng vô phạt. Có khi tôi thả cảm xúc vào tin nhắn của họ bằng các icon, sticker (nhãn dán). Nhưng hầu hết tôi chỉ im lặng. Một phần vì tôi cũng là người mới, phần vì chuyện cũng không liên quan tới mình. Chưa kể, tôi cũng bị vấn đề đạo đức chi phối, băn khoăn đó là thảo luận hay là nói xấu sau lưng”, chị Như chia sẻ.
Chị Như cứ cân nhắc hoài chuyện nên rời khỏi group hay không. Nếu rời nhóm, chị sẽ bị đồng nghiệp cô lập. Nhưng nếu cứ nghe những lời bàn tán toxic (độc hại) của đồng nghiệp, chị cũng bị ảnh hưởng tâm lý, nhiều lúc bất mãn với sếp dù chị không bị sếp chi phối gì.
Khi được hỏi: “Những group này có nên tồn tại hay là cần thiết để cho mối quan hệ công sở trở nên màu sắc không?”, chị Như khẳng định không cần thiết. Thay vào đó, câu chuyện nên dừng lại ở rủ rê nhau vui chơi, ăn uống, giải tỏa áp lực công việc, thắt chặt tình đồng nghiệp.
Nói xấu vì sếp có quá nhiều điểm xấu
Anh Trần Anh Quân (26 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM) từng làm việc cho một công ty gia đình kể lãnh đạo trực tiếp bộ phận của anh có phong cách làm việc rất cầu toàn. Mỗi lần làm việc, vị sếp này luôn tạo ra những cảm giác rất tiêu cực, gây khó chịu cho nhân viên.
Ví dụ như khi thực hiện dự án, sếp luôn đòi hỏi phải chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ, đưa ra các đầu việc vô lý, quá sức, không lắng nghe góp ý của nhân viên. Trong khi đó, công ty ít người nên khối lượng công việc cho mỗi nhân viên khá lớn.
“Gồng gánh nhiều, đã vậy còn gặp sếp không tâm lý nên thời gian đó chuyện đi làm đối với tôi chẳng khác gì cực hình. Mỗi lần không hài lòng về điều gì đó, sếp cũ thường mắng và chì chiết người làm sai trước cả tập thể. Khi nhân viên góp ý thì ông ấy bảo thủ, không chịu nghe. Đến khi kết quả không như mong đợi thì quay ngược lại trách móc nhân viên. Nên ngày nào không thấy sếp ghé văn phòng, cả nhóm ai cũng vui mừng”, anh Quân nói.
“Thời gian đó, chúng tôi quả thật có nói xấu sếp, nó cũng giúp cả nhóm giải tỏa lắm. Nhưng vì sếp có tính xấu nên chúng tôi mới có điều để nói. Nếu người sếp tốt, yêu thương nhân viên, công bằng trong công việc chắc chắn sẽ không bị nhân viên nói xấu”, anh Quân kể lại.
Hãy hướng đến môi trường tôn trọng lẫn nhau
Khác với anh Quân, chị Mai Thị Phượng (ở Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng sếp mình là người dễ thương, nhiệt tình. Nhưng vẫn có rất nhiều đồng nghiệp chị nói xấu sếp vì cách ăn mặc.
“Sếp tôi là một người có gu thẩm mỹ, một tuần 7 ngày thì chưa thấy chị ấy mặc trùng bộ quần áo nào. Nếu tôi có nhiều tiền, tôi cũng sẽ như sếp. Thích chăm chút ngoại hình là hết sức bình thường, chẳng ai có tư cách bàn tán về cách ăn mặc của người khác cả. Thế nhưng, nhiều người ở công ty vẫn lập nhóm nói xấu, thậm chí họ lôi kéo tôi vào bảo tôi đưa ý kiến”, chị Phượng chia sẻ.
Mỗi lần vậy, chị Phượng đều né tránh và bảo vệ sếp hết mức có thể. Do điều này, chị bị mọi người ghét, bị đàm tiếu là giả tạo, nịnh bợ sếp để được lợi.
“Tôi không tham gia nói xấu ai bao giờ, kể cả đó là sếp hay đồng nghiệp. Nếu không liên quan mình, tốt nhất không nên tham gia, vì chẳng ai tốt hơn ai cả. Tôi mong là ai cũng hướng đến môi trường làm việc tôn trọng lẫn nhau”, chị Phượng nói.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply