Nơm nớp qua vùng biển hải tặc
Trong những chuyến đi của mình, có lẽ chặng di chuyển trên tàu chở quặng từ Brazil đến Trung Quốc là hành trình dài nhất đối với thủy thủ Cao Thế Việt. Chuyến đi kéo dài 60 ngày liên tục trên biển.
Đây là con tàu chở vật liệu lớn nhất thế giới, với chiều dài 361m, chiều rộng 65m, mớn nước (chiều cao lớn nhất từ đáy tàu lên mặt nước) mùa hè lên đến 23,514m. Anh Việt không khỏi tự hào khi kể cho chúng bạn về công việc của mình trên con tàu “siêu khủng” này.
Để cập bến Trung Quốc, tàu phải đi qua vùng biển Somalia. Cướp biển ở đây vốn là mối đe dọa với vận chuyển hàng hải quốc tế. Việt kể, thông thường, cướp biển sẽ nhắm đến những tàu có hàng hóa giá trị cao. Với con tàu chở quặng anh đang làm việc, dù nguy cơ bị cướp giảm đi đáng kể nhưng cả tàu vẫn lo thon thót.
Để đảm bảo an toàn, tàu luôn thực hiện các biện pháp chống cướp. Vây quanh mạn tàu là lớp thép gai kiên cố, cũng như không thể thiếu lực lượng vệ sĩ được trang bị vũ khí để bảo vệ, cảnh giới khi đi qua khu vực nguy hiểm này.
Mỗi lần tàu vượt qua đây luôn phải có 23-26 người trên tàu được huy động canh chừng ở những vị trí khác nhau, qua “địa phận hải tặc” mới có thể thở phào nhẹ nhõm.
5 năm làm việc trên tàu viễn dương, đây là một trong những hải trình không thể quên với anh Việt.
Đến nay, niềm đam mê với nghề thủy thủ, cuộc sống lênh đênh trên biển, vượt các đại dương, đặt chân đến nhiều quốc gia trong anh Việt vẫn được nuôi dưỡng, vun đắp như ngày anh đặt bút điền đơn đăng kí thi trường hàng hải.
Tốt nghiệp ngành máy tàu thủy ở Hải Phòng vào năm 2019, Cao Thế Việt (quê ở Ninh Bình) háo hức tìm việc làm ở những công ty lớn để thực hiện giấc mơ theo chân những con tàu chở hàng chinh phục đại dương.
Mang theo niềm hứng khởi của cậu sinh viên năm cuối được thực tập trên những chuyến tàu của nhà trường, Việt càng mong và chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyến đi vượt trùng khơi, tới các quốc gia khác nhau.
Thông qua công ty cung ứng thuyền viên cho chủ tàu nước ngoài, anh được giới thiệu, phỏng vấn tại một tập đoàn đa quốc gia.
Theo Cao Thế Việt, với những kiến thức, kỹ năng được đào tạo trong nhà trường, vòng phỏng vấn diễn ra khá suôn sẻ với cậu sinh viên mới tốt nghiệp. Điều kiện quan trọng là người lao động phải thuần thục tiếng Anh vì đây là ngôn ngữ giao tiếp chính trên tàu.
Thông thường, mỗi thủy thủ được kí hợp đồng lao động với thời hạn 9 tháng. Sau mỗi chuyến đi dài, người lao động có thời gian 2-4 tháng về nhà nghỉ ngơi.
“Đội nhân sự chỉ hỏi tôi về bản thân, một số thông tin cơ bản về những thứ được đào tạo tại trường. Chỉ một vòng phỏng vấn duy nhất, tôi đã trúng tuyển và sau đó được bố trí lên tàu làm việc. Được biết, sau này những thợ máy như tôi phỏng vấn lên chức danh cao hơn mới có nhiều thử thách”, Việt kể.
Tận hưởng niềm vui trúng tuyển, anh háo hức cho chuyến đi đầu tiên trên con tàu chở quặng từ Úc sang Trung Quốc kéo dài 15 ngày. Chuyến đi đầu tiên này, Việt không ngừng hồi hộp, thao thức. Thời điểm đó dịch Covid-19 bùng phát, hải trình đầu tiên của tân thủy thủ tàu viễn dương gian nan hơn.
Công việc vất vả
Bên cạnh những bộ phận khác, tàu có nhóm lao động kỹ thuật gồm các kỹ sư và 3 thợ máy như anh Việt. Nhóm của anh phụ trách vận hành những thiết bị máy móc được giao trên tàu.
Những người mới xuống tàu lần đầu được giới thiệu, hướng dẫn về vị trí máy móc. Về sau, khi đã có kinh nghiệm, Việt cùng sĩ quan tàu trực tiếp bảo dưỡng, sửa chữa các thiết bị, máy tàu. Với những con tàu viễn dương trọng tải lớn như vậy, mỗi chiếc cờ lê vặn ốc cũng nặng… hàng chục cân.
Ngoài nguy cơ gặp cướp biển, những cơn bão tung hoành trên đại dương cũng là nỗi ám ảnh với thủy thủ.
Anh còn nhớ cuối năm 2023, bão và áp thấp ở Thái Bình Dương hoạt động mạnh mẽ.
Trước những con sóng cao đến 8m, con tàu chở vật liệu từ Canada về Nhật Bản chao đảo. Giữa những luồng sóng, có lúc, con tàu khổng lồ nghiêng đến 25 độ, chơi vơi như chiếc lá giữa trùng khơi.
“Tàu to có thể phần nào chống chọi bão nhưng vẫn bị ảnh hưởng, nghiêng ngả, rung lắc mạnh. Khi đó, nỗi sợ hãi trào lên trong tôi. Vốn không lạ gì sóng nước mà tôi vẫn nôn nao, nôn thốc nôn tháo”, anh Việt nhớ lại.
Không chỉ dừng lại ở đó, có những đêm khi chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, Việt lại bị gọi thốc dậy xử lý đàn sứa bám vào máy bơm hút nước biển làm mát động cơ. Mỗi lần như vậy, anh cùng đồng nghiệp phải xuyên đêm xử lý sự cố.
Nghề thủy thủ được cho là một trong những công việc vất vả, nguy hiểm bởi đặc thù lênh đênh trên biển, xa nhà. Để tình cảm không lấn át tâm tưởng, nhiều năm anh Việt không dám có người yêu.
Trong những hành trình trải qua, với anh, chuyến đi từ Brazil về Trung Quốc là dài nhất. Không ít buổi, sau giờ làm việc đứng nghỉ trên boong tàu, anh Việt thấy thấm cảnh cô đơn và nỗi nhớ nhà ngập lên trong mắt.
Song, đã xác định theo nghề này, anh cần cân đối cảm xúc để có thể làm việc hiệu quả.
Những khó khăn trong công việc không bao giờ dứt, chỉ có thể vững tâm vượt qua với tình yêu nghề, niềm đam mê với những chuyến biển.
Hiện nay, mức lương anh Việt được trả khoảng 40 triệu/tháng, đã trừ thuế. Thời gian tới, anh sẽ nâng cao trình độ, tay nghề để có thể phỏng vấn lên những cấp bậc cao hơn.
Sau 5 năm gắn bó với những con tàu viễn dương, anh đã đặt chân đến 8 quốc gia, lưu giữ kỉ niệm bằng những bức hình và vật dụng cần thiết. Nam thủy thủ đúc kết, công việc này cần người lao động có sức khỏe, ý chí, sự mạnh mẽ mới vượt qua được những khó khăn.
Anh vẫn không ngừng rèn luyện mỗi ngày, để trở thành kỹ sư với trình độ, tay nghề cao hơn nữa.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply