Đó là một nội dung đang gây bão mạng xã hội trong bài viết mới được chia sẻ của anh Trần Hùng Thiện (tốt nghiệp Thạc sĩ trường Đại học Hawaii, Mỹ), CEO Gcomm Việt Nam, về CV ( hồ sơ xin việc) sau 35 tuổi.
“Khiêng vác” CV 35+ đi khắp nơi… thành công rất thấp
Chia sẻ trên trang cá nhân facebook của mình, anh Thiện bắt đầu bằng câu chuyện về 2 CV của lao động sau 35 tuổi.
Bắt nguồn từ những hồ sơ xin việc này, anh Thiện nhận định: “Sau 35 tuổi, thậm chí sau 30 tuổi mà phải gửi CV cho người ta xem xét có thể xem là một thất bại. Lời nói này có thể nặng, không có một chút cảm thông nhưng nếu ai không thấy vậy thì thời cuộc nó cũng đã vậy rồi, ngọt ngào với nhau làm gì”.
Anh này đưa ra trường hợp lao động sau 35 tuổi khi được nhóm “săn đầu người” tìm đến cần có những thành tựu nhất định, chí ít phải có kỹ năng quản lý.
Sau đó, anh Thiện quay trở lại câu chuyện người lao động lớn tuổi mà phải “khiêng vác” CV đi khắp nơi thành công sẽ rất thấp.
Sau khi mở ra xem, anh Thiện nhận định đó là hai CV dưới trung bình thể hiện qua 10 năm làm việc nhưng chuyển trên dưới 10 công ty, kinh nghiệm không tương xứng với số tuổi…
“Việc cứu vớt 2 CV này là không thể, bởi đương nhiên không trả lương cao được. Nếu trả thấp cho ứng viên, họ sẽ chửi mình bị “ngáo” lương hay gì”, anh Thiện chia sẻ.
Anh này dự báo rằng, vài năm nữa thôi, sẽ có hàng trăm CV ngoài 35 tuổi cạnh tranh với nhau tìm công việc “phòng thân”, lương 6-7 triệu cũng chấp nhận.
Từ những viện dẫn trên, tác giả bài viết muốn truyền tải thông điệp đến các bạn trẻ cần chữa lành tương lai, chứ không phải là tâm hồn đang được gắn mác thời thượng “tổn thương” chỉ sau vài câu mắng của sếp.
“Đứng dậy và chuẩn bị cho tương lai chứ đừng vác xác đi chữa cái gì, tốn tiền mà càng ngày càng toang hoác ra nhé”, anh Thiện nhắn nhủ.
Bài viết được đăng tải nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Những luồng tranh luận trái chiều liên tục được mọi người đưa ra với một bên ủng hộ quan điểm của người viết, một bên cho rằng vẫn còn đầy rẫy những lao động ngoài 35 đang đi tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân.
Tranh luận trái chiều
Bày tỏ đồng quan điểm với tác giả bài viết, anh Trần Quang Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo và Phát triển của một đơn vị ở TPHCM cho biết, tác giả đang chia sẻ về trường hợp rất cụ thể là những người trên 30 tuổi với hơn 10 năm làm việc nhưng chuyển công ty trên dưới 10 lần, kinh nghiệm không tương xứng với số tuổi, CV rất chán… thì khó tìm kiếm việc làm.
Theo anh Tuấn, tác giả cũng chỉ ra những người sau 35 nên có thành tựu nhất nhất, hoặc “bèo” nhất phải có kỹ năng quản lý.
Anh Tuấn cho rằng lập luận này rất hợp lý. Cuối cùng, thông điệp của tác giả là khi đã đến một độ tuổi cụ thể thì cần phải có những thành tựu thì mới hi vọng cạnh tranh kiếm việc. Nếu không, họ sẽ khó có lợi thế cạnh tranh so với thế hệ trẻ.
Phản bác quan điểm mà tác giả đưa ra, tài khoản N.A cho biết, vẫn có nhiều người trên 30 tuổi mới bắt đầu tìm việc với nhiều lý do. Vì vậy, không nên chỉ nhìn vào số tuổi, số kinh nghiệm… để đánh giá họ.
“Vì vậy, cũng không nên mặc định người đó có tuổi thì họ sẽ đòi lương cao, còn trả thấp thì họ sẽ bảo “ngáo” lương. Biết đâu họ muốn vươn lên, đổi ngành, làm lại, chấp nhận mức lương thấp”, tài khoản N.A cho biết.
Người này cho rằng, nhiều người trên 40 đi học lại đại học vì muốn đổi ngành, nhà tuyển dụng không có quyền từ chối chỉ vì số tuổi.
Chị này đồng ý quan điểm CV viết trông xấu hay lủng củng nên học cách viết. Tuy nhiên, nhà tuyển dụng nên hiểu hoàn cảnh, con người thật, chuyên môn, động lực của ứng viên, hơn là đánh giá qua số tuổi và số năm kinh nghiệm…
Cũng trao đổi về nội dung bài viết, chị Nguyễn Quỳnh Nga, quản lý doanh nghiệp tại TPHCM, đồng ý với quan điểm ở độ tuổi nào nếu không chịu khó nới vòng an toàn, mãi đứng im thì sẽ có nguy cơ bị loại khỏi thị trường lao động.
Chị này ví dụ trường hợp tuổi 20 không lao vào học hỏi, thực hành. Sau vài năm khả năng tự học lụi dần thì dễ bị đào thải.
Song, chị Nga chưa đồng ý với hình ảnh đóng khung độ tuổi nào đó khi tìm việc. Bởi việc này sẽ khiến cho nhà tuyển dụng và người đi ứng tuyển dễ bị lo sợ.
“Đôi khi nhà tuyển dụng sẽ thấy hóa ra 30+ chưa làm quản lý, trưởng nhóm thì người này kém là điều hiển nhiên trong thị trường lao động. Như vậy cũng gây ra nhiều tình huống nhà tuyển dụng tuyển mãi không được người”, chị Nga chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply