Tinh thần thép
Chiếc container to lớn chầm chậm di chuyển giữa màn đêm lạnh buốt, tài xế Trần Văn Chính (34 tuổi, quê tại Lâm Đồng) ngó ra ngoài cửa sổ, thấy chuyến đi 2.000 km chỉ mới được hoàn thành một nửa.
Tiếng thông báo tin nhắn bỗng dưng “nổ” liên tục. Anh Chính mở điện thoại và ngạc nhiên nhận được nhiều lời chúc. Hóa ra, hôm ấy là ngày sinh nhật của bản thân mà chính anh còn không nhớ.
“Tài xế lái xe đường dài như tôi lúc nào cũng nghĩ duy nhất một chuyện, chính là đảm bảo trong suốt quá trình không để xảy ra bất kỳ vấn đề nào. Để luyện được “tinh thần thép”, tôi cũng không còn thời gian nghĩ đến những chuyện khác nữa. Ngày qua ngày, bản thân cũng bị guồng quay công việc cuốn đi”, nam tài xế bộc bạch.
Nghề tài xế lương “ba cọc ba đồng” như anh Chính miêu tả, mất một chuyến hàng là cả gia đình phải chịu đói. Vì thế, anh Chính ví bước chân lên xe như bước vào cửa tử, chỉ có tập trung cao độ và không lơ là một phút giây nào trong suốt hành trình, thì mới mong an toàn trở về.
Để có thêm thu nhập, anh phải gồng mình, đánh đổi, nhận cả chuyến chở hàng từ TPHCM ra Hà Nội. Mỗi chuyến đi kéo dài 8-10 ngày, nam tài xế tưởng chừng mình đang sống một cuộc đời khác. Bởi anh chưa từng xa nhà lâu và đi chặng hành trình xa đến thế.
Thử thách hầu như đều đến mỗi ngày. Cơn ác mộng của anh chính là những hôm mưa bão hay chỉ đơn thuần là màn đêm tĩnh mịch. Trong khi người khác “chăn ấm, nệm êm”, những tài xế như anh Chính phải “vật lộn” với cơn buồn ngủ và đủ loại hiểm nguy.
Ban ngày, anh Chính vô số lần xối thẳng nước đá lên đầu cho tỉnh ngủ. Có những lúc, anh thừa nhận mình không vượt qua được thì mới vội tìm chỗ dừng lại, gục trên vô lăng và chợp mắt ít phút. Tối đến, nam tài xế nhấp vài ngụm trà Bắc để tinh thần tỉnh táo hơn.
“Ngay từ lâu, tôi đã xem xe là nhà, cabin là giường. Nhưng giấc ngủ trên xe không phải lúc nào cũng trọn vẹn. Hễ có tiếng động nhẹ là tôi tỉnh giấc ngay vì sợ trộm cắp. Giấc ngủ ngon nhất của tôi chắc chỉ là khi được về nhà với gia đình”, anh Chính chia sẻ.
“Nghề cô đơn”
Yêu nghề, cống hiến hết mình vì hai chữ mưu sinh, tài xế Chính đôi lúc cũng chạnh lòng khi người ngoài gọi cái nghề của anh là “hung thần xa lộ”.
“Hung thần là từ không sai. Thực tế, có rất nhiều tài xế chỉ vì áp lực của tiến độ công việc mà phóng nhanh, vượt ẩu. Nhưng với tôi, làm nghề phải có đạo đức. Từng chứng kiến nhiều tai nạn thảm khốc trên đường, tôi luôn tự nhắc mình nhấn nhẹ chân ga. Tôi và cả những người tham gia giao thông khác, ai cũng có một gia đình phía sau”, anh Chính trải lòng.
Nam tài xế bộc bạch nghề lái xe đường dài là nghề của sự cô đơn. Chặng đường dài chẳng có ai bầu bạn, anh chỉ có thể trút nỗi lòng qua cảnh vật bên ngoài ô cửa kính.
Nghề này khó tâm sự với ai nên anh Chính cũng hạn chế nghe người khác nói gì về mình. Lắm lúc, người ta đồn thổi người làm nghề này thường nghiện ngập, ngoại tình, nhưng anh Chính chỉ bỏ ngoài tai.
“Buồn nhất là không thể ở cạnh chăm sóc cho vợ con. Con ốm có vợ chăm, nhưng vợ ốm thì người chồng như mình chỉ có thể hỏi thăm qua điện thoại. Bản thân thấy có lỗi nhiều, chỉ mong vợ thấu hiểu và kiên nhẫn chờ đợi”, anh Chính nói.
Bữa cơm nhà ngỡ như điều đơn giản nhưng lại là cả ao ước lớn lao của anh Chính. Trừ những ngày Tết, anh Chính hầu như vắng mặt các dịp quan trọng của gia đình.
Trước đây, gia đình từng không ủng hộ anh theo nghề vì nghĩ tài xế lái xe đường dài là một công việc bạc bẽo, ngày qua ngày chỉ rong ruổi trên đường và phải sống xa gia đình, bạn bè thân thiết.
Lúc ấy, anh Chính chỉ nghĩ đơn giản nghề này cũng như bao nghề khác, cũng có cái khó riêng nhưng quan trọng là có thể kiếm ra tiền. Khi thật sự vào nghề, anh mới ngỡ ngàng vì đây là công việc quá nguy hiểm và áp lực cao.
“Những lần rong ruổi trên đường tuy vất vả nhưng chính điều đó là thứ níu chân tôi ở lại với nghề. Lái xe đường dài, tôi được đi nhiều nơi, ngắm nhìn cảnh vật tuyệt đẹp của quê hương mình.
Những lần tôi giúp đỡ người đi đường, cho họ đi nhờ xe mà không lấy tiền, cảm giác hạnh phúc vì được làm người tốt khiến tôi hiểu mình được nhận nhiều hơn là cho đi”, anh nói.
Nhiều trải nghiệm vui, buồn lẫn lộn đã khiến anh trở thành phiên bản tốt hơn. Thời điểm chống dịch Covid-19, anh Chính còn tình nguyện làm tài xế chở thực phẩm thiết yếu đến các khu cách ly.
“Nghề chân chính nào cũng đáng trân trọng. Mỗi người sinh ra đều phù hợp với một công việc nào đó. Bất cứ nghề nào cũng có khó khăn, vất vả riêng, quan trọng là người làm nghề phải luôn tỉnh táo và làm đúng với đạo đức của mình”, nam tài xế chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply