“Hốt bạc” mùa nắng nóng
“Trời nắng nóng, mỗi lần vượt chặng đường từ nhà đến công ty và ngược lại, tôi phải uống 2-3 ly nước mới chịu nổi”, người khách đứng chờ tại quầy nước trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TPHCM) nói.
Trên tuyến đường này, hàng nước giải khát “mọc” lên san sát, tấp nập khách ra vào. Quán mía đá của vợ chồng chị Trần Thị Mỹ Hiền (38 tuổi) cũng phục vụ khách không ngơi tay.
Chị Hiền cho biết, thời gian đầu mới mở, tiệm chỉ bán tầm 100 ly/ngày. TPHCM vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kinh hoàng kéo dài khiến sức mua tăng gấp 5 lần. Trung bình, chị có thể bán 400-500 ly nước/ngày, ngày đỉnh điểm tới 600 ly. Hai vợ chồng phải thuê thêm 2 nhân viên phụ việc mới kịp phục vụ lượng khách lớn.
Quán mở cửa từ 9h30 đến 22h30, kiếm 4-6 triệu đồng/ngày từ máy quay nước mía. Ngoài hương vị truyền thống, nước mía, rau má ở hàng chị còn thu hút nhờ được pha kèm các nguyên liệu khác như đậu xanh, sầu riêng,… với mức giá dao động 10.000-20.000 đồng/ly.
Thời điểm đông khách nhất của quán là vào buổi trưa và tối.
“Trời nắng nóng, người mua hàng cũng khó tính hơn, không chấp nhận chờ lâu. Thỉnh thoảng, vì khách quá đông, quán phục vụ không kịp, một số người còn giận, bỏ đi khiến vợ chồng tôi tiếc hùi hụi”, chị Hiền chia sẻ.
5 tháng hoàn đủ 100 triệu đầu tư quán
Đang xoay như chong chóng với tiệm, bà chủ bỗng giật mình khi nghe tiếng khóc ré của con nhỏ mới sinh. Chị Hiền đành buông vội dụng cụ xuống, chạy vào bên trong dỗ con.
Người mẹ trẻ cho biết từ khi bắt đầu công việc buôn bán, chị tất bật vừa lo hàng quán vừa chăm con nhỏ còn chưa thôi sữa. Tranh thủ mùa làm ăn, cả ngày chị Hiền chỉ ngủ vài ba tiếng.
Tối khuya mới xong việc, sáng phải dậy sớm để chuẩn bị nguyên liệu rồi đứng bán hàng cả ngày, đôi chân mỏi đờ đẫn. Nhiều thời điểm, chị tưởng phải từ bỏ vì kiệt sức, nhưng rồi lại vực dậy, tiếp tục công việc vì động lực mưu sinh mạnh mẽ.
“Có những lúc đông khách, bé nhà tôi tự ngồi chơi một mình, tự khóc, tự nín rồi tự ngủ. So với những đứa trẻ khác thì con tôi thua thiệt hơn, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong 4 góc tường.
Tôi thương, xót con lắm, cũng áy náy vì bản thân không còn nhiều thời gian dành cho con. Nhưng để bé có tương lai tốt hơn, chúng tôi buộc phải bươn chải, cố tranh thủ kiếm nhiều tiền mong cải thiện cuộc sống”, chị nghèn nghẹn giọng.
Chị Hiền vốn là con nhà nghèo. Năm 11 tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị phải nghỉ học để đi làm may.
“Lúc đó, tôi buồn lắm vì muốn đi học tiếp nữa, nhưng do hoàn cảnh khó khăn quá nên mẹ kêu tôi đi học may để sớm có cái nghề kiếm cơm”, chị kể.
Theo học nghề xong, chị bắt đầu với công việc may mặc. Đó là nguồn sống chủ yếu của chị lúc bấy giờ. Sau nhiều năm gắn bó, từ cửa hàng may nhỏ, chị phát triển lên thành xưởng gia công và tạo cơ hội việc làm thêm cho nhiều người ở địa phương.
Đến khi kết hôn, sinh con, vì không có nhiều thời gian cho xưởng may nên chị quyết định khép lại hành trình với nghề may sau hơn 20 năm.
Cầm trong tay số tiền tích cóp 100 triệu đồng, tháng 11/2023, chị và chồng quyết định khởi nghiệp bán nước giải khát, dùng số tiền đó để mua máy móc, nguyên liệu, thuê mặt bằng.
Thời gian đầu, cả hai tự tìm tòi, học hỏi cách pha nước. Sau những lần thất bại liên tiếp, cuối cùng chị cũng đúc kết ra được công thức riêng, hút được nhiều khách.
Sau 5 tháng mở quán, chị đã có thể lấy lại vốn, có chi phí để tái đầu tư.
Chị nói thêm: “Thời gian đầu buôn bán chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Bằng sự nỗ lực miệt mài, tôi nghĩ khó khăn nào cũng vượt qua được. Nhìn lượng khách ngày càng tăng, tôi vui như mở cờ trong bụng. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là có nguồn thu nhập tốt để lo cho các con”.
Trọng Khang
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply