Liên quan vụ 7 công nhân tử vong trong vụ tai nạn lao động tại nhà máy xi măng ở Yên Bái, Công an tỉnh này đã khởi tố, bắt tạm giam một nhân viên tại đây.
Từ vụ việc này, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, các vụ tai nạn lao động gắn liền trực tiếp với công việc hằng ngày. Những vụ việc tai nạn lao động xảy ra cho thấy việc thực hiện quy định an toàn lao động tại nơi đó chưa tốt, chưa đầy đủ.
Theo bà Ngân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến rủi ro trong quá trình lao động. Trong đó phải kể đến những ngành nghề nguy cơ tai nạn lao động cao như xây dựng, khai khoáng, khai thác than, dệt may…
“Những công việc đó luôn tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nên chúng ta cần nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm trong quá trình thực hiện quy định an toàn tại nơi làm việc”, bà Ngân chia sẻ.
Đặc biệt, việc vận hành máy móc, thiết bị có nguy cơ cao về an toàn lao động cần đảm bảo nghiêm về quy trình vận hành, kiểm soát, kiểm định định kỳ.
Phó Trưởng ban Quan hệ lao động cho biết, trong quá trình thực hiện vận hành, công nhân, lao động thực hiện phải đảm bảo từ việc có thông báo, biển báo…. Người thực hiện không được lơ là, chủ quan, làm tắt các công đoạn khi tham gia vào quy trình này.
Đặc biệt, bà Ngân cho biết công tác tập huấn an toàn lao động trong doanh nghiệp cũng phải thường xuyên, cùng với đó kỹ năng xử lý sự cố cũng cần trang bị.
Hiện nay, các cấp công đoàn đang triển khai các hoạt động hưởng ứng tháng Công nhân và tháng Hành động về an toàn, vệ sinh lao động.
Bà Hồ Thị Kim Ngân cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động đã có công văn hướng dẫn các cấp công đoàn tăng cường truyền thông tháng cao điểm chăm lo cho đoàn viên về vật chất, tinh thần và đảm bảo an toàn lao động.
Trong đó, các cấp công đoàn tổ chức các chương trình như: Cuộc thi tìm hiểu về công tác an toàn lao động, tìm hiểu các quy định của pháp luật, trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước trong công tác bảo đảm an toàn. Từ đó, chủ sử dụng lao động, công nhân, người lao động nâng cao ý thức, đảm bảo an toàn nơi làm việc.
“Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức các phiên đối thoại, chuyên đề về đảm bảo an toàn nơi làm việc; nhất là đối với chuỗi cung ứng thực hiện đảm bảo an toàn lao động ra sao để người lao động hiểu, thực hiện các giải pháp đó”, bà Ngân cho biết.
Qua những buổi tập huấn, cán bộ công đoàn được phổ biến về kỹ năng thực hiện các hoạt động an toàn, để khi gặp sự cố có thể xử lý.
Các tổ chức công đoàn cũng tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh để lắng nghe ý kiến người lao động trong quá trình xây dựng luật.
Một hoạt động nữa trong tháng 5 là các hoạt động đối thoại doanh nghiệp. Các tổ chức công đoàn cơ sở sẽ tăng cường đối thoại cơ sở liên quan đến tiền lương, thưởng, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, các biện pháp bảo đảm an toàn cho người lao động tại nơi làm việc.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua, tuy đã có nhiều cố gắng và đạt được kết quả, nhưng công tác an toàn vệ sinh lao động vẫn còn một số hạn chế.
Trong đó, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, số sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.
Năm 2023, trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn, làm 699 người chết.
Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công (chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động).
Diễn biến tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động có dấu hiệu gia tăng, về số vụ, số người bị nạn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply