Mỗi tối, khi đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp, TPHCM) đông đúc người qua lại thì quán bánh xèo của chị Nguyễn Thị Thu Thủy (41 tuổi) cũng tấp nập khách ra vào.
Để phục vụ lượng khách “khủng”, cả chủ quán và 7, 8 nhân viên đều phải thay phiên nhau dắt xe, chiên bánh rồi bưng vội ra các bàn đã chờ sẵn.
Vì ở khu vực bếp, bà Thủy đã đặt 30 chiếc chảo đổ bánh xèo, điều ít nhất 2 nhân viên đứng đổ không ngơi tay để khách không phải chờ lâu.
Tại đây, bánh xèo có giá dao động 8.000-12.000 đồng/cái. Thực khách có thể dùng rau, nước chấm, bánh tráng thỏa thích mà không sợ tính thêm tiền.
Nhìn quán ăn của mình được nhiều người ủng hộ, chị Thủy lúc nào cũng nở nụ cười tươi để chào khách. Theo chị Thủy, chị đã mất nhiều năm học hỏi cách pha bột bánh xèo và nước chấm sao cho hợp khẩu vị của người miền Nam.
“Quán của tôi đã tồn tại được 16 năm. Thời gian qua, tôi luôn đặt cái tâm vào từng dĩa bánh mang ra cho khách. Chỉ cần chỉn chu trong từng công đoạn, thực khách sẽ tự nhận ra cái tâm của chủ quán và quyết định lui tới thường xuyên. Khởi nghiệp chính là kiên nhẫn, yêu cái mình làm và hết mình với nó”, chị Thủy nói.
Hàng chục năm về trước, chị Thủy từ quê nhà Bình Định, chân ướt chân ráo vào TPHCM lập nghiệp khi chỉ mới 18 tuổi. Thời gian đó, chị làm công nhân may mặc để kiếm tiền trang trải qua ngày. Hơn 2 năm sau, chị quyết định chuyển sang làm cho bưu điện rồi dần trở thành chủ đại lý của bưu điện nơi mình từng làm việc.
Đến khi kết hôn, chị Thủy quyết định bỏ đại lý bưu điện, chuyển sang mở cửa hàng chuyên điện thoại di động. Không được bao lâu, xã hội phát triển, nhiều cửa hàng lớn “mọc” lên khắp nơi, chị Thủy đành rầu rĩ đóng cửa tiệm một lần nữa.
Vì nhớ quê hương, yêu các món ăn dân dã, chị nảy ra ý tưởng khởi nghiệp quán bánh xèo, một mình tìm tòi, hoàn thiện tất cả mọi thứ. Cầm trong tay số tiền tích cóp hàng chục năm, chị mở quán bánh xèo chỉ với 1 nhân viên và 8 cái bàn, ghế nhựa.
Thời gian đầu, vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên đôi lúc bánh làm ra không hợp khẩu vị khách, khiến quán đôi lúc rơi vào cảnh ế ẩm. Thế nhưng, chị vẫn không từ bỏ mà thử nghiệm nhiều lần để làm ra mẻ bột và nước chấm ngon hơn.
Dần dà, tiếng lành đồn xa, thực khách ngày càng kéo đến đông hơn và trở thành “bạn hàng quen” với chị.
“Lúc đó bán đông lắm, đến nỗi tôi không có thời gian… đếm tiền. Thời đó còn ở nhà trọ, tiền bán được, tôi chỉ cất vào tủ, khi nào cần mua hàng thì lấy ra dùng. Không hiểu vì sao lúc ấy tôi không còn tâm trí nghĩ đến chuyện tiền bạc, chỉ vô cùng hạnh phúc khi mình khởi nghiệp thành công”, chị Thủy bộc bạch.
Dư dả, chị Thủy dùng tiền tích cóp đầu tư thêm bất động sản. 8 năm trước, từ một công nhân may phải xa quê, ở trọ, chị Thủy đã có thể mua miếng đất 8 tỷ đồng phía sau nhà, vừa làm nơi ở, vừa làm mặt bằng kinh doanh.
“Đối với tôi, cứ cố gắng thì mọi công sức sẽ được đền đáp. Không cần biết xuất phát điểm của mình ở đâu, chỉ cần có đam mê, kiên trì với những thứ mình muốn là thành công”, chị Thủy bộc bạch.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply