Sự đánh đổi
Hơn 0h, anh Nguyễn Duy Cần (SN 1985, quê tại tỉnh Vĩnh Phúc) trở về nhà sau ca làm việc kéo dài hơn 7 tiếng. Ngồi trên xe buýt về phòng trọ, thỉnh thoảng anh mệt đến mức ngủ quên xe.
Anh Cần là thợ mỏ, làm việc tại phân xưởng đào lò 3, công ty than D.H (tỉnh Quảng Ninh), đến nay được hơn 16 năm. Đối với anh, nếu nói công việc không vất vả, nặng nhọc thì hoàn toàn là nói dối.
Mỗi ngày, những thợ mỏ như anh sẽ chia nhau ra 3 ca làm việc. Ca đầu tiên bắt đầu từ 7h và ca cuối kết thúc vào rạng sáng ngày hôm sau. Như một vòng tuần hoàn, công trường lúc nào cũng rộn rã tiếng máy móc.
Họ vào hầm khi trời đã tối muộn, lắm lúc cũng ra về với bộ dạng lấm lem bụi than, khi người khác vẫn còn đang ngủ.
Theo anh Cần, ở phân xưởng đào lò, hằng ngày công ty có thể bố trí 5-6 người/gương lò (nơi khai thác than), tùy thuộc vào khối lượng công việc. Trước khi vào bên trong, các thợ mỏ sẽ thay quần áo, mũ, đèn rồi tập trung lại ở nhà giao ca để nhận lệnh làm việc. Họ sẽ phải làm những phần việc như khoan nổ mìn, phá đất đá, chống sụt, xúc tải,…
Những công nhân phải tuân theo quy định không được mang thuốc lá, điện thoại,… vào bên trong gương lò. Họ đi theo từng tốp, nối đuôi nhau đi vào chiếc hầm sâu âm 100m so với mực nước biển. Có những hôm, anh Cần phải đi bộ 2 km vào vị trí làm việc, rồi đi với khoảng cách tương tự để trở ra.
“Làm nghề này nhiều năm, sức khỏe yếu đi hẳn. Bụi than vào phổi, gặp bệnh về hô hấp là chuyện bình thường”, anh Cần bộc bạch.
Dọc lối đi vào gương lò, hai bên đường được bố trí những chiếc đèn nhỏ. Đi sâu vào bên trong, anh có thể dễ cảm nhận không khí càng loãng. Nhiệt độ xuống thấp khiến những giọt mồ hôi không kịp rơi xuống mà hòa lẫn với bụi than đen ngòm.
Giữa giờ, những công nhân sẽ có thời gian nghỉ ngơi để ăn bánh mì và sữa. Nhưng lắm lúc, anh làm mệt đến mức quên cả cơn đói. Khi kết thúc ca làm việc, cũng là lúc cả cơ thể anh Cần lấm lem bụi than.
Nghề của những người không biết sợ
Nam thợ mỏ kể rằng, có 2 lần đã chứng kiến tai nạn thảm khốc ngay tại gương lò nơi mình làm việc. Mắt lướt qua những tin tức về tai nạn chết người của thợ mỏ, anh Cần chỉ thở dài, trong lòng không tránh được chút lo lắng.
Thế nhưng, anh khẳng định mình không thấy sợ. Những áp lực mỗi khi đặt chân vào gương lò tối om đã từ lâu không còn trong tâm trí anh. Đối với anh Cần, nghề càng tiềm ẩn nguy hiểm, càng khiến cho anh trở nên cẩn thận và trách nhiệm hơn.
Trước đây, năm 2006, anh Cần được người trong làng giới thiệu nên đăng ký đi học ngành khai thác mỏ. Khi biết con trai chọn nghề thợ mỏ, gia đình anh đã khuyên ngăn vì thấu hiểu đây là nghề vô cùng vất vả, rủi ro có thể đến bất cứ lúc nào. Nhưng đối với anh Cần, bù lại được là thu nhập cao.
2 năm sau, anh tốt nghiệp rồi bắt đầu những ngày tháng thử thách đầu tiên tại các công trường đầy bụi bặm.
“Ngày đầu chui vào gương lò, nhìn chiếc hầm tối om, dài heo hút, trong lòng không tránh được sự sợ hãi, ngột ngạt. Nhưng dần cũng quen, cứ nghĩ rằng đi làm kiếm tiền lo cho gia đình nên có động lực dữ lắm. Anh em trong đội cũng vui vẻ, động viên lẫn nhau”, anh chia sẻ.
Nhiều năm sau, ở làng, chỉ còn mỗi anh Cần là bám trụ với nghề. Những người khác từng là thợ mỏ nay đã chuyển việc vì nghề này quá cực nhọc.
“Tôi sinh ra từ gia đình làm nông, từ nhỏ đã quen làm việc chân tay. Nghề này đúng là cực nhọc, nhưng đổi lại là lương cao, ổn định, lo được cho vợ con. Xa gia đình đến 300 km, tôi chỉ về nhà những dịp quan trọng. Nhưng may mắn, công ty vẫn tạo điều kiện cho công nhân được về thăm gia đình”, anh nói.
Được biết, thu nhập của thợ mỏ như anh Cần khoảng 400 triệu đồng/năm, bao gồm lương và các khoản thưởng, những người có thâm niên lâu hơn có thể lên tới 600 triệu đồng/năm.
“Phải không sợ thì mới làm được nghề này. Tôi bước chân vào hầm, trong đầu không suy nghĩ gì cả, chỉ mong làm hết tháng để được nhận những đồng lương đáng quý. Đối với người thợ mỏ, không có tiền lo cho gia đình mới là nỗi sợ lớn nhất. Xã hội nếu ai cũng làm việc nhẹ nhàng thì việc nặng nhọc để phần ai?”, anh trải lòng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply