Lương khởi điểm hơn 1 triệu đồng
“Hơn 1 triệu đồng là số tiền mà tôi nhận được khi bắt đầu đi làm nghề nấu ăn tại trường mầm non”, chị Phùng Thị Nga chua chát kể.
14 năm qua gắn bó với công việc nấu ăn tại trường mầm non công lập của huyện Ba Vì (Hà Nội), chị Nga vẫn quanh quẩn với mức lương 4,4 triệu đồng/tháng, không có phụ cấp. Mức lương này với những người độc thân còn khó chi tiêu, huống hồ lại rơi vào chị – trụ cột trong gia đình.
“Bởi thế, gia đình tôi tiết kiệm lắm, giỏi co kéo lắm mới đủ chi tiêu, sinh hoạt. Chồng tôi phát hiện bệnh tim năm 2019 nên thu nhập của tôi là chỗ dựa duy nhất của gia đình. Đồng lương này cũng phải chia ra để nuôi nấng 3 con đang tuổi ăn học”, chị Nga chia sẻ.
Một ngày làm việc của chị bắt đầu từ 7h sáng. Chị đến trường đảm nhận nhiệm vụ tiếp nhận thực phẩm để chuẩn bị hàng trăm suất ăn cho các cháu nhỏ. Thông thường, những “cô nuôi” như chị sẽ nấu bữa trưa và bữa phụ buổi chiều.
Chị Nga nhẩm tính, trung bình, mỗi người sẽ nấu khoảng 50 suất ăn/đợt. Nếu thiếu nhân viên, những lao động này phải hỗ trợ, gồng gánh công việc của nhau.
16h30 tan làm, nhưng nhiều hôm chị lại nhận đi dọn dẹp nhà cho người dân để kiếm thêm thu nhập. Với hoàn cảnh éo le như hiện tại, buộc chị phải gồng lên, làm việc như cái máy mỗi ngày.
“Số tiền hơn 4 triệu đồng/tháng không đủ tiền ăn uống, sinh hoạt cũng như chi phí học hành cho 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Chính vì vậy, tôi phải làm thêm nhiều nghề. Ai thuê gì cũng làm, như cấy thuê, gặt thuê, bưng bê cỗ, dọn nhà thuê…”, chị Nga rơm rớm nước mắt.
Mất đi ngón tay vì máy xay thịt
Động lực duy nhất chị gắn bó với công việc là gần nhà, tiện bề chăm sóc gia đình, trông nom con cái học hành. Tuy vậy, chị thừa nhận sự vất vả, rủi ro của nghề nấu bếp rất lớn.
Trước đó, năm 2017, không may chị Nga gặp tai nạn lao động trong quá trình xay thịt vào năm 2017. Chị kể, khi đó máy xay thịt không hiện đại như bây giờ. Máy không có chân, đế, buộc chị phải đặt lên bàn. Trong quá trình xay thịt rung lắc, máy đổ xuống.
Chị Nga bất ngờ đỡ lấy và bị lưỡi dao “chém” vào 2 ngón tay. Lúc đó, chị đã ngất xỉu tại chỗ. Sau biến cố này, chị đã từng nghĩ đến việc nghỉ việc.
“Tôi muốn chuyển đổi công việc khác, cho thu nhập cao hơn. Nghề này vất vả, nhiều rủi ro. Song mọi người lại khuyên nên làm gần nhà, các con đang tuổi ăn học cần có bàn tay chăm sóc của mẹ”, chị Nga cho hay.
Chính vì vậy, chị lại quyết tâm theo đuổi công việc này hơn một thập kỷ. Song, mức lương của chị cũng không cải thiện là bao, chưa đủ trang trải cuộc sống gia đình.
Nhiều thời điểm, trong nhà không còn một đồng, chị Nga đành đi vay mượn khắp nơi để trang trải. Ngay cả việc đi khám bệnh của chị mới đây hết 2 triệu đồng cũng phải vay đồng nghiệp.
Với muôn vàn khó khăn, người phụ nữ 42 tuổi mong mỏi nghề “cô nuôi” trong trường mầm non công lập có thêm khoản trợ cấp về nghề nặng nhọc. Từ đó, giúp người lao động đang có mức lương thấp được cải thiện thu nhập.
Chị Nga cho hay, nhiều nhân viên nuôi dưỡng khác đang được kí theo hợp đồng 68 hoặc theo Nghị định 111, ngạch kỹ thuật 01.007.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất, đánh giá, quyết định bổ sung công việc “nấu ăn cho các trường mầm non công lập có từ 100 suất ăn trở lên” thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply