Thời hiện đại, mạng xã hội đã và đang trở thành nơi giao lưu, tương tác lý tưởng giữa sếp và các nhân viên trong công ty. Tất nhiên, đây sẽ là con dao 2 lưỡi nếu chúng ta sử dụng nó không đúng cách.
Chủ động “khoe” bản thân
Khi tìm kiếm ứng viên cho công ty, nhiều nhà tuyển dụng cũng thường “rình rập” xem ứng viên đó sử dụng mạng xã hội như thế nào. Nắm bắt được điều đó, nhiều bạn trẻ đã xây dựng một trang cá nhân “sang – xịn – mịn” để tạo ấn tượng ngay từ ban đầu.
“Làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, cá nhân tôi cảm thấy mạng xã hội là một phương tiện quan trọng để kết nối với sếp, đồng nghiệp và cả khách hàng. Tôi xem đó là nơi để thể hiện bản thân một cách chủ động, phô ra những điểm tốt, điểm tích cực hay thậm chí là niềm đam mê với công việc một cách tinh tế”, anh Nguyễn Hồ Tất Thắng (22 tuổi, ở TP.HCM) chia sẻ.
Anh Thắng cho rằng, việc chia sẻ những bài đăng, chủ đề liên quan tới công việc cũng phần nào giúp anh tạo được sự tín nhiệm trong mắt những người cùng ngành. Tuy không phải là tất cả nhưng một trang mạng xã hội chỉn chu, tích cực đã giúp tôi tạo ấn tượng ban đầu với sếp và đồng nghiệp mình.
Theo anh Thắng, thời buổi hiện nay rất khó để nói không với việc giao lưu, kết bạn trên mạng xã hội. Trung bình mỗi người đều có một tài khoản Facebook, Zalo hay Instagram… Các nhóm, phòng ban trong một công ty thông thường sẽ có một nhóm chung để thuận tiện chia sẻ, trao đổi công việc trên đó. Mạng xã hội xấu hay không còn tùy thuộc vào cách sử dụng của mỗi người.
Bất ngờ vì độ “chịu chơi” của sếp trên mạng
Thời gian đầu đi làm, anh Nguyễn Đức Dũng (23 tuổi, ở TP.Đà Nẵng) không khỏi bất ngờ vì sếp trên mạng và ngoài đời là hai thái cực khác nhau. Được biết, ở công ty, sếp anh là một người cực kỳ nghiêm khắc, khó tính và hiếm khi cười. Nhưng trên Facebook, ông ấy lại thường chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc với gia đình, kinh nghiệm làm việc hoặc bài bình luận về một thông tin thời sự nào đó.
“Tuy trong công việc sếp có cầu toàn và tạo cảm giác khó gần nhưng ông lại rất thân thiện, tích cực trên mạng xã hội, ở ngoài cuộc sống cũng thế. Sếp còn thường xuyên tương tác với hình ảnh, bài đăng của tôi, sử dụng ngôn ngữ rất trẻ trung. Có những ngày, sếp cập nhật trạng thái đến 3, 4 lần, đi ăn, đi chơi với vợ con hay trời mưa cũng có một dòng status tâm trạng…”, anh Dũng nói.
Nhờ có mạng xã hội, anh Dũng và các đồng nghiệp cũng hiểu hơn về sếp, giảm bớt áp lực khi tiếp xúc, làm việc chung. Anh cũng rất trân trọng, học hỏi được nhiều điều hay từ chia sẻ của sếp mình.
“Mạng xã hội giúp tôi rút ngắn khoảng cách với sếp và đồng nghiệp, thông qua trang cá nhân tôi có thể hiểu được phần nào tính cách, sở thích của họ. Từ đó dễ dàng tìm được điểm chung giữa mình và mọi người, nhanh chóng hòa đồng, thích nghi hơn với môi trường mới”, anh Dũng nói.
Bật chế độ “ẩn sếp” vì sợ rủi ro
Bên cạnh đó, cũng có những người cảm thấy không thoải mái khi kết nối với sếp, đồng nghiệp trên mạng.
“Những lúc đăng hình với gia đình, người yêu, đi du lịch hay than thở áp lực, stress, tôi sẽ hạn chế sếp và một số đồng nghiệp vì cảm thấy không thoải mái, không muốn họ biết nhiều về đời sống riêng tư của mình”, chị N.N (26 tuổi, ở TP.HCM) bộc bạch.
Theo chị N., mạng xã hội là nơi rất nguy hiểm, bất kì điều gì chúng ta chia sẻ trên đó cũng có thể trở thành tâm điểm bàn tán trong những cuộc trò chuyện “vắng mặt”. Với những đồng nghiệp có mối quan hệ không tốt, đây có thể là lý do để họ chỉ trích, săm soi, so sánh ảnh trên mạng và ngoài đời. Việc hạn chế sếp trên mạng là một cách để tránh xa những rủi ro không đáng có.
Thậm chí, chị Hồ Thị Trà My (29 tuổi, ở TP.Thủ Đức) còn lập hẳn một tài khoản Facebook khác để kết bạn với sếp và đồng nghiệp. Trên tài khoản đó, chị My chỉ cập nhật ảnh đại diện và chia sẻ các bài đăng liên quan đến công ty, lĩnh vực làm việc của mình.
“Trên Facebook hiện nay, không thiếu những hội nhóm than thở chuyện đi làm, kể tội công ty. Sếp và đồng nghiệp của tôi khả năng cao cũng nằm vùng trong đó, chỉ cần phát ngôn thiếu cẩn trọng một chút cũng khiến tôi khó sống sau này. Vậy nên, tôi thường sử dụng hai tài khoản, một cái cho công việc, một cái để sống thật với chính mình”, chị My nói.
Chị My nói thêm, có nên trở thành những người bạn online với sếp và đồng nghiệp hay không còn tùy thuộc vào tính cách, tính chất công việc của mỗi người. Dù có làm gì cũng nên giữ cho mình những ranh giới nhất định và nên là một người dùng mạng thông thái.
Theo ghi nhận của người viết với nhiều người lao động trong độ tuổi từ 18 – 30 tuổi, hầu hết mỗi người đều có từ 2 đến 3 tài khoản Facebook và ít nhất một tài khoản Instagram, TikTok…
Ngoài ra, họ còn có thêm một tài khoản Linkedin (một trang mạng xã hội chuyên nghiệp, được thiết kế để giúp mọi người kết nối trong việc kinh doanh, tìm kiếm việc làm). Nội dung được đăng tải trên các tài khoản này cũng sẽ khác nhau, tùy thuộc vào đối tượng bạn và các mối quan hệ hiện có trên đó.
Lao động – Việc làm | Tổng hợp tin tức việc làm 24h
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply