Cứu cơ sở nước mắm giữa “bão” thị trường
Lớn lên từ con cá, hạt muối của làng chài ven biển An Lương, anh Phạm Văn Bình (37 tuổi, ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cảm thấy nuối tiếc khi cơ sở nước mắm truyền thống hơn 40 năm, tâm huyết cả đời của cha mẹ đang mất đi trước sự cạnh tranh khốc liệt của nước mắm công nghiệp.
Năm 2019, sau khi tích góp một số vốn từ tiền lương chuyên viên phân tích tài chính cho một công ty bất động sản, cùng nguồn tiền đầu tư, anh Bình mạnh dạn về quê khôi phục nghề làm mắm truyền thống của gia đình.
Theo anh Bình, để kế thừa cơ ngơi truyền thống hơn 40 năm, dù có thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, trắc trở. Thuận lợi là bởi anh đã có 2 “bậc thầy tại gia” hướng dẫn, truyền thụ kinh nghiệm làm mắm đúc kết hàng chục năm.
Hơn nữa, cơ sở của gia đình lại nằm gần ngay bến cá An Lương, lượng hải sản luôn dồi dào, tươi ngon. Bên cạnh đó, khó khăn cũng luôn bủa vây, từ nguồn lao động tại chỗ đến sự thay đổi của cơ chế thị trường…
“Để tìm được người lao động tâm huyết, gắn bó với nghề không phải dễ. Ngoài ra, họ còn phải được đào tạo bài bản về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động…”, anh Bình nói.
Từ cơ sở cũ 1.000m2 đã xuống cấp, nay anh Phạm Văn Bình đã cải tạo và mở rộng lên 2.000m2 với vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Trong đó, khu muối nắm khoảng 1.400m2, còn lại là các khu bán hàng, phòng chiết rót sản phẩm… theo một quy trình khép kín. Anh còn đầu tư thêm máy trộn cá, máy chiết rót mắm… nhằm giúp giảm sức lao động, đảm bảo vệ sinh.
Khu muối mắm được anh Bình bố trí 53 bể muối bằng xi măng có sức chứa 8-9 tấn cá, 33 thùng muối bằng gỗ có sức chứa từ 4-7 tấn cá.
Anh Bình cho hay, cơ sở của gia đình đã được đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ, có mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thường xuyên được kiểm định chất lượng sản phẩm tại các cơ quan uy tín…
Với sự nỗ lực rất lớn của anh Bình và sự tiếp sức từ phía ngành nông nghiệp huyện Duy Xuyên, chính quyền địa phương, sản phẩm nước mắm nhĩ hiện đã được chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 4 sao; mắm nêm và mắm ruốc được chứng nhận OCOP 3 sao của UBND tỉnh Quảng Nam.
Doanh thu 4 tỷ đồng/năm
Anh Phạm Văn Bình cho biết, nguyên liệu chính để chế biến nước mắm là cá cơm than được đánh bắt quanh khu vực Cù Lao Chàm (Hội An) và muối trắng tinh khiết thu mua từ vùng biển Phan Rang (Ninh Thuận).
Quy trình làm mắm bắt đầu từ việc chọn những con cá cơm đều, không to quá nhưng cũng không nhỏ quá và phải thật tươi. Sau khi chọn lựa, rửa sạch vớt ra để ráo, chuẩn bị theo tỷ lệ 3 cá 1 muối, trộn đều sau đó đổ vào thùng, bể chứa. Cá với muối đã trộn vào gọi là chượp, ủ khoảng 12 tháng.
Quy trình sản xuất nước mắm truyền thống luôn được anh tuân thủ nghiêm ngặt các bước từ khâu chọn lựa nguyên liệu đầu vào đến cách ướp, chượp, chưng cất, kiểm tra độ đạm…
Theo anh Bình, anh là người kế thừa nghề làm nước mắm truyền thống, nắm rõ công thức chế biến nên hương vị của sản phẩm ngày càng tinh túy, thơm ngon, hấp dẫn và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Những năm qua, anh Bình đã xây dựng được đội ngũ đại lý, phân phối sản phẩm với khoảng 30 thành viên và sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Cơ sở cũng quan tâm xây dựng phần mềm quản lý, tem nhãn chống hàng giả, đổi mới dây chuyền công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật kiểm soát chất lượng sản phẩm…
Mỗi năm cơ sở của gia đình cung ứng cho thị trường hơn 50.000 lít nước mắm, 10 tấn mắm ruốc, 15 tấn mắm nêm. Doanh thu 4 tỷ đồng/năm. Nhà thùng còn tạo việc làm cho 4 phụ nữ tại địa phương với mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng.
Cơ sở của anh còn là nơi du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm, mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply