2 triệu lao động nhập cư
Theo dự báo nhân khẩu học của TPHCM, trong trung và dài hạn, đà tăng dân số của Thành phố có khả năng sẽ giảm. Với việc mức sinh con của phụ nữ thấp (khoảng 1,2%) thì số lượng dân số trong độ tuổi lao động sẽ chững lại trong dài hạn.
Đồng thời, dòng di cư dân số ở TPHCM có thể chững lại do các địa phương vệ tinh đang phát triển rất mạnh. Điều này góp phần làm số lượng người lao động nhập cư vào TPHCM có xu hướng giảm trong tương lai.
Quy mô dân số được sử dụng để tính toán khả năng cung cấp lực lượng lao động cho TPHCM bao gồm: Dân số chính thức; thành phần dân số khác gắn với lực lượng lao động chất lượng cao, chuyên gia, lao động có chuyên môn; dân số quy đổi (khách vãng lai, dân số cư trú dưới 6 tháng…).
Từ dự báo nhân khẩu học và cơ cấu cung cấp lao động, TPHCM dự báo nguồn cung lao động của thành phố trong giai đoạn 2025-2030 là khoảng 6-7 triệu người.
Về nhu cầu lao động, dựa trên kịch bản tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2026-2030 là 8,04% để tính toán thì thành phố cần khoảng 5,8-6,7 triệu người.
Phân tích dữ liệu trên cho thấy, cung và cầu lao động trong suốt giai đoạn 2023-2030 gia tăng đồng đều. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa là cung và cầu của thị trường lao động cân bằng.
Thành phố dự báo trong giai đoạn 2024-2030, tốc độ gia tăng của nhu cầu lao động nhanh hơn so với nguồn cung, đặc biệt là từ năm 2027 trở đi. Điều này có thể tạo nên tình trạng thiếu lao động, gây ra áp lực cạnh tranh giữa các công ty.
Hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh đến TPHCM làm việc
Một trong những thách thức lớn nhất của thị trường lao động – việc làm TPHCM hiện nay là sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường nội địa.
Những trung tâm công nghiệp, kinh tế mới nổi đang dần bắt kịp TPHCM về phát triển kinh tế, cạnh tranh với thành phố để hấp dẫn nguồn nhân lực từ các tỉnh miền Tây, miền Trung, Tây Nguyên…
Trong chiến lược phát triển lao động, TPHCM chỉ rõ các “đối thủ” là: Khu công nghiệp Biên Hòa, khu công nghiệp Long Thành ở Đồng Nai; Bình Dương có khu công nghiệp Vsip II, khu công nghiệp Mỹ Phước; Long An có khu công nghiệp Tân Thạnh; Bà Rịa – Vũng Tàu có khu công nghiệp Cái Mép…
Theo UBND TPHCM, nguồn lao động nhập cư ngày trước chỉ có một sự lựa chọn là TPHCM thì nay có nhiều điểm đến để lựa chọn. Đó là thách thức lớn cho việc phát triển nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhân lực của thành phố.
Do đó, trong chiến lược lao động – việc làm đến năm 2030, UBND TPHCM dự kiến triển khai hàng loạt chính sách hỗ trợ lao động yếu thế, người lao động từ các tỉnh đến TPHCM làm việc nhằm thu hút nguồn lực này.
Theo đó, Thành phố sẽ xây dựng mô hình liên kết đào tạo dạy nghề miễn phí giữa Đại học Quốc gia TPHCM với các doanh nghiệp. Trọng tâm của mô hình là đào tạo nghề ngắn hạn cho công nhân, lao động giản đơn nhằm giữ việc làm cho họ, đảm bảo ổn định sản xuất cho doanh nghiệp.
Theo UBND TPHCM, việc tăng cường đầu tư giáo dục nghề nghiệp cho người lao động cần được xem là đầu tư công, gói hỗ trợ doanh nghiệp nội địa phát triển nội lực, mở rộng thị trường.
Khi nhận hỗ trợ, các doanh nghiệp phải cam kết sử dụng lao động và đảm bảo phúc lợi cho người lao động ở mức cơ bản. Các nhà máy khi lên kế hoạch sa thải với quy mô lớn cũng cần tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội.
Thành phố cũng định hướng xây dựng các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp cho nhóm lao động trung niên, đảm bảo người lao động lớn tuổi duy trì được công việc.
Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung xây dựng các cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, cho thuê nhà ở giá rẻ để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người thu nhập thấp, dân nhập cư.
Cuối cùng, TPHCM đang nghiên cứu chính sách kết hợp công tư để mở rộng lưới an sinh xã hội đến các nhóm lao động từ các tỉnh khó khăn. Mục tiêu là đảm bảo thực hiện an sinh xã hội tối thiểu cho công nhân, người lao động trong doanh nghiệp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply