Quán ốc nuôi ước mơ… lạ đời
Hơn 6h, con hẻm trên đường Bình Thới (quận 11, TPHCM) tấp nập người qua lại. Ở đó, một quán ốc được dựng tạm bợ trước căn nhà nhỏ.
Phía sau quầy, một người phụ nữ dáng vóc cao lớn đang loay hoay dọn hàng cho kịp giờ bán. “Tới sớm vậy em? Chờ chị chút nhé”, chủ quán nói gọn, cười đon đả.
Chủ quầy hàng là chị Út Điệu (SN 1967). Thoạt nhìn bề ngoài, nghe giọng nói ngọt của chị, không ai nghĩ đó là một người chuyển giới. Quán ốc đã duy trì hơn 30 năm. Chị Út Điệu nói, đó cũng là ngần ấy năm quán ốc nuôi ước mơ sống thật của chị.
Tạm ngưng để tiếp tục dọn hàng, bà chủ quán luôn tay luôn chân đến 8h để phục vụ những vị khách đầu tiên trong ngày. Quán ốc của chị lạ ở chỗ chỉ mở buổi sáng, thay vì chiều tối như những quán đồ ăn vặt thông thường.
Chị Út giới thiệu, quán có nhiều loại ốc khác nhau, được chế biến hấp dẫn. Tất cả đều đồng giá 50.000 đồng/đĩa. Chị bán cả tuần, trừ thứ 6 dành để chuẩn bị nguyên liệu.
Một vị khách đứng ngắm nghía quầy ốc hỏi: “Sao đợt này ốc ít hơn so với trước vậy Út?”. Bà chủ mỉm cười đáp lời: “Ế quá nên em nhập ít hàng lại, giờ mỗi loại chỉ lấy 1kg, bán hết rồi lấy thêm. Đồ này để ế không được tươi, ảnh hưởng đến chất lượng món ăn”.
Mặc dù trong lòng rất buồn, chị Út vẫn cố kìm nén cảm xúc, vui vẻ phục vụ khách hàng. Hiện tại, doanh thu của quán chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi ngày, cao điểm kiếm được 1-2 triệu đồng.
Khoản thu nhập đó, bà chủ quán than không đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Chị phải mượn tiền từ bạn bè để duy trì quầy hàng.
Nhớ lại thời quán đông khách, chị Út Điệu kể: “Trước dịch là thời “hoàng kim” của tôi. Quán chưa mở hàng đã có khách đến trước chờ. Tôi bán đắt hàng đến nỗi vàng đeo đỏ cả tay”.
Trước đó, trung bình mỗi ngày, chị bán hơn 3kg ốc mỗi loại, tổng cộng hơn 10 loại khác nhau. Đỉnh điểm, vào các ngày cuối tuần, quán kiếm 5-7 triệu đồng.
Sau đại dịch Covid 19, kinh tế khó khăn, người bán nhiều hơn người mua, quán ốc ế ẩm hẳn.
“Chưa sướng được bao lâu, giờ phải quay lại cảnh khổ ngày xưa”, chị thở dài.
Ước mơ “hóa bướm”
Út Điệu vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Ba, mẹ tôi đã phải bươn chải nhiều công việc khác nhau để nuôi các anh, em khôn lớn. Họ cực khổ vì chúng tôi rất nhiều”, chị chia sẻ.
Sinh ra trong cơ thể nam giới nhưng từ nhỏ, Út Điệu đã cảm nhận rõ bản thân thích chưng diện như phụ nữ. Vì thế, chị dần để tóc dài, ăn mặc như con gái. May mắn, gia đình cũng không ngăn cản, ép uổng gì.
Lớn lên, nối nghề gia đình, chị bắt đầu với công việc sản xuất đồ thủy tinh. Vào thời điểm đó, chị kiếm được 100.000 đồng/ngày. “Cầm được số tiền trong tay, tôi mừng lắm. Bởi đó là số tiền đầu tiên tôi kiếm được”, chị Út Điệu bộc bạch.
Sau đó, chị chuyển sang công việc làm móng tay, chân dạo. Trung bình mỗi bộ dao động 2.000-3.000 đồng, cao điểm chị kiếm hơn 100.000 đồng/ngày.
Qua bao năm tháng miệt mài làm việc, chị vẫn không quên khát khao mãnh liệt muốn trở thành con gái. Tích góp đến khi có chút tiền bạc, chị bắt đầu sang Thái chuyển giới, để hiện thực hóa ước mơ.
Buôn bán ở quán ốc là công việc Út Điệu bắt đầu khi sức khỏe đã ổn. Công thức chế biến, chị mày mò học từ những lần đi ăn hàng quán.
Nói đến đây, Út Điệu chợt chạnh lòng. Trước đó, chị ở chung nhà với mẹ và hai người em. Quanh quẩn kiếm tiền, Út Điệu lúc nào cũng chỉ muốn về nhà với mẹ, mang tiền mình kiếm được để lo cho mẹ. Nhưng bỗng một ngày, bà mắc bệnh rồi đột ngột qua đời.
Đối với Út, đó là nỗi mất mát to lớn nhất. Vậy nên, cho đến giờ, chị vẫn quyết định ở nhà chăm lo cho các em, không nghĩ đến chuyện tìm hạnh phúc riêng.
Khách hiện tại của quán đa phần là những “khách ruột”, là hàng xóm láng giềng. “Khách hàng còn nhớ đến và lui tới như vậy tôi mừng lắm. Còn khách tôi còn bán”, chị Út Điệu quả quyết.
Dù công việc kinh doanh không còn tốt như trước, nét buồn không đọng trên gương mặt Út Điệu quá lâu. Mỗi lúc không có khách, chị lại quay sang trò chuyện với hàng xóm, tíu tít cả ngày. Đối với chị, khó khăn nào cũng vượt qua được, miễn là biết trân quý sức lao động của mình.
Trọng Khang
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply