Đánh cược mạng sống với biển khơi
Cơn gió lớn bất chợt nổi lên, táp mặt khiến con thuyền chao đảo, lắc lư giữa muôn trùng sóng nước. Đang đứng ở mạn thuyền, Thanh Huy, một ngư dân 17 tuổi, chới với rồi rơi thẳng xuống biển.
Nhìn xuống đáy biển sâu hun hút, rợn ngợp, lạnh người, Huy cố ngoi lên nhưng sóng liên tiếp xô tới, xộc vào mũi vào miệng, khiến cậu sặc sụa không ngừng. Lúc ấy, Huy tưởng đã bỏ mạng.
May sao, sau một hồi tìm đủ cách, bạn thuyền cũng vớt được Huy lên, khi cậu đã kiệt sức, đờ người.
“Đó là lần đầu tiên trong đời tôi đứng ở lằn ranh sinh, tử. Những sự cố đủ kiểu sau này khiến tôi quen nghề, rạn dày hơn. Làm nghề này, mỗi lần ra khơi là một lần dấn thân vào nguy hiểm. Vì biển mênh mông, to lớn lắm, sức người quá bé nhỏ. Dẫu biết vậy nhưng vì mưu sinh, phải chấp nhận”, Huy nói.
Cậu trai bộc bạch, mỗi lần tiễn người thân lên thuyền, ra khơi là người thân ngày đêm phập phồng, cầu nguyện sự bình an. Lớn lên ở vùng biển Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Huy đã theo thuyền đánh cá, trở thành ngư dân từ khi 14 tuổi.
“Tôi từng chứng kiến một người bạn thuyền trẻ tuổi, không may qua đời vì rơi xuống biển, tương tự tai nạn của tôi. Lúc đó tôi sợ lắm, nhưng cũng chỉ tự nhủ cố gắng cẩn thận hơn chứ không thể bỏ nghề”, Huy chiêm nghiệm.
Để giảm bớt sự căng thẳng và lo sợ, hằng ngày, Huy đều dùng điện thoại để ghi lại hành trình mưu sinh của mình rồi đăng tải lên mạng xã hội cho… quen. Anh cho biết mỗi khi làm vậy lại có cảm giác được chia sẻ những vất vả và cả chuyện hay trong nghề.
Nhiều lúc, nhận được những lời động viên và ngưỡng mộ dành cho công việc từ cộng đồng mạng, Huy cũng cảm thấy được an ủi phần nào.
Cậu trai cho biết, người dân sống ở làng mình nếu không theo đuổi con đường học vấn hoặc không còn trẻ tuổi thì phần lớn trở thành ngư dân. Thế nhưng, không phải ai cũng trụ được với nghề bởi công việc rất vất vả, đòi hỏi người làm có sức khỏe, sức chịu đựng cao.
Thông thường, một chuyến đi biển kéo dài khoảng 20 ngày. Vào mùa gió Nam, từ tháng 3 đến tháng 9, thường có nhiều cá nhưng lại là thời gian gió to sóng lớn trên biển. Đã là ngư dân thì phải bất chấp nguy hiểm mới mong có thành quả lao động lớn.
“Thu nhập của ngư dân tùy thuộc vào lợi nhuận bán cá của cả thuyền sau 20 ngày rong ruổi. Thông thường, phần lãi được chia cho chủ thuyền một nửa, nửa còn lại chia đều cho các thuyền viên.
Trung bình, một chuyến đi, tôi có thể kiếm được 25-30 triệu đồng. Thực tế nhiều ngư dân còn kiếm được nhiều hơn”, Huy cho hay
Mỗi ngư dân có thể kiếm thêm vài triệu đồng nếu may mắn câu hoặc lặn bắt được những loại hải sản đắt giá. Thế nhưng, lắm lúc, tàu về bờ cũng phải chịu cảnh bị thương lái ép giá đến bất lực.
Trân quý từng phút giây lao động
Thuyền của Huy thường ra khơi với 13 người, khá ít so với số lượng 17-18 thuyền viên trên một tàu đánh cá thông thường. Trên tàu, mỗi người đảm nhiệm những vị trí, công việc khác nhau, như lái tàu, quăng lưới, lặn biển.
Bắt đầu một chuyến biển, tàu thường phải chạy hơn 3 tiếng để đến được vị trí cách xa bờ 13 hải lý (hơn 24 km).
Với người mới theo nghề, thử thách đầu tiên chính là làm quen với sóng nước, với con thuyền lắc lư, trồi sụt ngày đêm. Thông thường, một ngư dân khỏe mạnh cũng phải mất 2-3 tháng để làm quen, để không còn say sóng nữa.
Hằng ngày, công việc chính của ngư dân diễn ra trong đêm. Những lúc biển êm, Huy và đồng nghiệp có thể bắt đầu công việc lúc 22h, cũng không hiếm buổi phải chờ đến 3h mới được xuống nước.
“Nỗi sợ lớn nhất của ngư dân chúng tôi chính là lưới bị rối. Trong trường hợp đó, thay vì chỉ làm 45 phút là xong việc, chúng tôi phải ngâm mình dưới biển tối đen suốt vài giờ đồng hồ để gỡ được số lưới rối ấy”, chàng trai chia sẻ.
Để đối mặt với nỗi sợ giữa mênh mông đêm đen nơi biển lạnh, ngư dân thường tin vào yếu tố tâm linh, chỉ có thể kiêng cữ đủ thứ. Cả tàu thường tránh ăn thịt gà, trứng vì quan niệm không kiêng thì khi quăng lưới sẽ bị rối.
Trước khi ra khơi, ngư dân cũng phải xem kỹ dự báo thời tiết, nhằm tránh bão, gió to. Nếu không may có thông tin thời tiết bất lợi ngay lúc đang ở giữa biển, chủ thuyền cần đưa ra quyết định vào bờ sớm, bỏ ngang chuyến biển hoặc ở lại tắt máy, thả trôi, chờ qua cơn dông tố.
Đối với Huy, mỗi lần ra khơi là một lần phải nén cảm giác lo sợ, chỉ hướng đến mục tiêu mang được nhiều tiền về.
“Đánh bắt được nhiều cá chính là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với ngư dân. Vì chuyến biển thất bát, tay trắng quay về là phải bù lỗ. Chỉ đánh bắt được nhiều chúng tôi mới có tiền lo cho gia đình.
Hơn hết, dù áp lực mưu sinh, ngư dân vẫn luôn nhắc nhau phải tuân thủ quy định đánh bắt để không phá hoại tự nhiên, giữ nguồn lợi bền vững”, Huy khái quát.
Cậu trai kể trên thuyền của anh có rất nhiều thuyền viên lớn tuổi. Trong đó, Huy thương nhất là người đồng nghiệp đã già, dù sức khỏe không tốt vẫn gắng gượng đi biển kiếm tiền nuôi người vợ bệnh nặng.
“Cùng thuyền với nhau, chúng tôi dù là những người không máu mủ nhưng sớm xem nhau như gia đình. Có thể không giúp được nhiều nhưng ai nấy đều cố gắng hỗ trợ nhau”, Huy chia sẻ.
Chợt trầm ngâm trước câu hỏi về thời gian dự định theo nghề, chính Huy cũng không chắc. Cậu trai nói, nghề này không chỉ cho anh một làn da rám nắng, nét tần tảo dù anh chưa đến đôi mươi, nó còn cho anh những mẻ cá tươi, mang niềm hi vọng cho cả gia đình.
“Tôi không biết sau này thế nào. Nhưng đã là ngư dân thì phải yêu nghề lắm mới làm được, trụ được đến vậy. Vậy nên, chúng tôi rất trân quý từng giây phút lao động của mình”, chàng ngư dân trẻ cười hiền khô.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply