Trời nóng như đổ lửa, Xie Mingxia (52 tuổi, quốc tịch Trung Quốc) và nhiều phụ nữ trung niên khác, đứng trước tòa nhà 72 tầng, mắt nhìn chằm chằm vào dòng xe cộ.
Ngay khi thấy một người đi xe máy mặc trang phục đặc trưng của người giao hàng (shipper), Xie và những người khác liền vây lấy, hỏi liên tục: “Tầng nào, phòng mấy?”.
Nhanh chóng, họ tranh nhau gói hàng chuyển phát nhanh từ tay shipper. Người lanh lẹ nhất sẽ giành được gói hàng. Họ sẽ yêu cầu shipper thanh toán thù lao bằng mã QR, rồi lao thẳng vào bên trong tòa nhà, tìm đúng địa chỉ trên gói hàng để giao cho khách.
Cứ mỗi đơn hàng giao hộ thành công, bà Xie được trả 2-10 NDT (khoảng 7-35.000 đồng).
Những người như bà Xie được gọi là “người chạy chặng cuối”. Thay vì phải mất thêm một khoảng thời gian giao hàng cho những vị khách bên trong các tòa nhà cao tầng, shipper chuyển phần việc đó cho “người chạy chặng cuối” với mức thù lao giá rẻ.
“Người chạy chặng cuối” đa phần là phụ nữ ở độ tuổi 50. Dịch vụ họ cung cấp giờ phổ biến ở các tòa nhà chọc trời tại đô thị phía nam Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông). Những người làm dịch vụ này thường không biết tên nhau, chỉ nhận dạng bằng cách gọi quê hương của “đồng nghiệp”.
Dịch vụ này xuất hiện khi nhu cầu đặt hàng trực tuyến ngày càng tăng cao. Trong khi đó, các shipper lại gặp khó khăn trong việc giao hàng trong những tòa nhà cao tầng, vì họ không thể tìm được chỗ đỗ xe và điều đó cũng làm mất nhiều thời gian. Nếu thời gian giao hàng bị trễ, họ có thể bị phạt 50-500 NDT (khoảng 175.000-1,7 triệu đồng).
Shipper thường lựa chọn “người chạy chặng cuối” mà họ cho là có khả năng chạy nhanh nhất. Thỉnh thoảng, những người làm dịch vụ này sẽ tranh nhau đơn hàng. Hầu hết các shipper cũng không can thiệp vì chỉ muốn giao hàng nhanh nhất có thể.
Nhờ những người làm dịch vụ này, shipper có thể hoàn thành 40 đơn hàng/ngày, giảm thiểu những khiếu nại về thời gian.
Meng, một người “chạy chặng cuối”, cho biết cô có thể giao 70 đến 100 đơn hàng mỗi ngày. Thu nhập của cô bắt đầu ở mức 6,9 NDT/đơn hàng lên 8 NDT. Để tối đa số đơn, Meng thường bỏ ăn sáng, thậm chí có hôm cô chỉ uống nước, không ăn cho đến 21h.
Zhang Yuying, một người “chạy chặng cuối” khác, chia sẻ cô từng bị một đồng nghiệp đấm liên tục, bị thương ở tay vì giành giật đơn hàng.
Được biết, công việc “chạy chặng cuối” đã xuất hiện từ lâu, thời gian đầu không được chú ý nhiều. Cho đến kinh tế khó khăn, thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh, dịch vụ này trở thành một cơ hội việc làm mới.
Lúc đầu, một người “chạy chặng cuối” có thể kiếm 80 NDT (khoảng 280.000 đồng) trong một buổi chiều, nhưng giờ càng có nhiều người làm nghề này, khiến cho thu nhập của người chạy giảm chỉ còn một nửa.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply