Khó khăn trăm bề
Sáng 20/6, khách đến chợ An Đông (quận 5, TPHCM) không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến cảnh nhiều sạp hàng đồ may mặc, vàng bạc đồng loạt đóng cửa.
Ở khu vực lầu 1 và 2 chỉ còn lác đác vài sạp mở cửa bán. Giữa lối đi của chợ, tiểu thương ngồi thành nhiều nhóm, gương mặt đầy vẻ lo lắng.
Anh N.H., tiểu thương chuyên kinh doanh quần áo tại chợ, cho biết nguyên nhân các sạp hàng đồng loạt đóng cửa là do phần lớn tiểu thương tại đây lo sợ sẽ bị Đội quản lí thị trường kiểm tra, xử phạt.
Bởi họ đều gặp khó khăn trong việc xuất trình hóa đơn đầu vào, nguồn gốc hàng hóa.
“Nhiều năm qua, tình hình kinh doanh tại chợ đã rất khó khăn, ế ẩm. Chúng tôi chỉ dám nhập hàng số lượng ít từ nguồn nhỏ, lẻ nên không có hóa đơn đầu vào.
Chợ ế ẩm, các mối sỉ dần mất đi, tôi chủ yếu bán lẻ mỗi ngày vài món nên cũng chẳng có hóa đơn đầu ra. Vậy nên kiểm tra đến đâu thì hẳn là tôi cũng bị xác định vi phạm hết cả. Sợ quá, tôi đóng sạp luôn!”, anh H. nói.
Anh H. kể từng bị Đội Quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt một lần. Lúc ấy, số tiền xử phạt đối với anh quá lớn, anh đành bỏ luôn số hàng trị giá hàng trăm triệu đồng mà cơ quan chức năng đã lập biên bản, tạm giữ.
Anh H. than đã kinh doanh tại chợ gần 8 năm nay, nhưng chưa từng chứng kiến việc kinh doanh khó khăn như năm nay. Anh H. vừa cười chua chát: “Kỷ lục của tôi là 10 ngày không có khách nào đến mở hàng”.
Doanh thu sụt giảm 80%, các mối sỉ lần lượt bặt vô âm tín. Hằng tháng, anh H. phải gánh nhiều chi phí chất chồng lên nhau.
Từ sau dịch Covid-19 đến nay, anh H. luôn phải gồng lỗ, bán hết đồ có giá trị trong nhà để rót tiền duy trì sạp hàng. Nam tiểu thương đã tính chuyện “giải nghệ” nếu tình cảnh tiếp diễn.
“Tiểu thương chúng tôi vẫn muốn chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật, nhưng thực tế là không nắm rõ. Chúng tôi hi vọng ban quản lý chợ, cơ quan chức năng có thể giải thích, hướng dẫn một cách rõ ràng cách tháo gỡ vướng mắc, có hướng hỗ trợ tiểu thương giải quyết vấn đề”, anh H. chia sẻ.
Bà Ngọc (tên đã được thay đổi theo yêu cầu), tiểu thương chuyên doanh quần áo, cho hay kể trong 2 tháng qua, kể từ khi Đội quản lý thị trường kiểm tra liên tục, bà và nhiều tiểu thương khác mở sạp mỗi ngày trong nỗi thấp thỏm.
“Xuất xứ của hàng hóa thì nhiều nguồn nhưng không có nguồn nào xin được hóa đơn, chứng từ vì số lượng nhập rất ít. Vả lại, chúng tôi lại nhập của nguồn gián tiếp chứ không từ xưởng, bán đến đâu lại mua tiếp, càng khó đòi hóa đơn.
Thật sự điều này rất khó khăn, vì nếu ngỏ lời xin hóa đơn, chứng từ, người nắm nguồn hàng sẽ ái ngại và từ chối giao hàng lần sau”, bà Ngọc nói.
Lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng của tiểu thương
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó trưởng Ban quản lý chợ An Đông, cho hay đến trưa 20/6, sau khi được Ban quản lý chợ vận động, thuyết phục, phần lớn tiểu thương đã mở cửa, kinh doanh trở lại.
Những sạp vẫn đóng cửa là do chủ sạp đã về từ sớm, một số đã trả giấy phép kinh doanh từ trước. Theo bà Hà, từ tháng 5 đến nay, Đội quản lý thị trường số 5, Cục quản lý thị trường TPHCM, tổ chức kiểm tra đột xuất hoặc theo kế hoạch tại khu chợ.
Gần đây nhất, Đội có đến kiểm tra vào ngày 13, 14, 18/6, phát hiện nhiều vi phạm tại các sạp hàng về cách đơn ghi hóa đơn, tiểu thương không có xuất trình được hóa đơn đầu vào.
Ngày 19/6 đến trưa 20/6, tiểu thương bắt đầu đóng sạp. Nói về những lý do các tiểu thương nêu khó khăn trong thực hiện thủ tục kinh doanh, đại diện Ban quản lý chợ cho biết đã ghi nhận và đang phối hợp với Đội quản lý thị trường tìm hướng giải quyết, hỗ trợ tiểu thương.
“Sau khi tiếp nhận và tổng hợp ý kiến của tiểu thương, Ban quản lý chợ chúng tôi đã trình báo cáo tới cơ quan quản lý thị trường. Đội quản lý thị trường số 5 cũng đã có văn bản gửi đến tiểu thương để trao đổi, làm rõ mọi thắc mắc.
Theo kế hoạch, 25/6 tới, Đội sẽ có một buổi gặp mặt các tiểu thương để giải đáp những vướng mắc, đưa ra hướng xử lý thích hợp, đồng thời sẽ tập huấn, hướng dẫn để tiểu thương tránh nguy cơ dính vi phạm trong hoạt động kinh doanh, buôn bán”, Phó trưởng Ban quản lý chợ An Đông nói.
Đại diện Ban quản lý chợ cho biết thêm, hằng năm, đơn vị đều phối hợp với Đội quản lý thị trường để tuyên truyền các nội dung về giấy phép kinh doanh; bán đúng giá niêm yết; giấy tờ, hóa đơn, chứng từ thể hiện rõ xuất xứ hàng hóa; đăng ký sở hữu trí tuệ. Các tiểu thương đều đã ký cam kết về những nội dung được phổ biến.
“Thời gian qua, Ban quản lý chợ cũng nhận thấy tình hình kinh doanh khó khăn, doanh thu giảm, thách thức với tiểu thương. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế chung, cạnh tranh lớn từ thương mại trực tuyến…”, bà Hà chia sẻ.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply