Thất vọng vì cây thoát nghèo
Giữa trưa nắng, vợ chồng anh Trịnh Văn Huỳnh ở xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình cố gắng hái cho xong luống ớt rồi mới về nghỉ. Hơn 3ha trồng ớt chỉ thiên của gia đình đang vào vụ chín rộ, không thu hoạch kịp sẽ rụng hết.
Những ngày qua, vợ chồng anh phải “nai lưng” ngoài ruộng thu hoạch ớt vì không có tiền thuê nhiều người làm. Ớt chín thu hoạch đến đâu bán đến đó, nhưng giá rẻ như bèo nên tiền thu được cũng chỉ đủ trả công người làm, chưa trả các chi phí khác.
Người đàn ông 49 tuổi tâm sự, khi biết Công ty TNHH xuất nhập khẩu nông sản T9 (gọi tắt là Công ty T9) về địa phương, liên kết trồng ớt và bao tiêu sản phẩm, gia đình anh cùng nhiều hộ khác thuộc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Lương đã mua giống và trồng hơn 30ha ớt chỉ thiên.
“Chúng tôi mua giống về trồng, bỏ công chăm sóc, tưới bón. Thời điểm bắt đầu trồng, phía công ty hứa sẽ thu mua và trả tiền đều đặn cho dân. Giá thu mua ớt quả là 19.000 đồng/kg, không phụ thuộc vào giá cả thị trường. Thấy trồng ớt có triển vọng nên chúng tôi hăng hái làm”, anh Huỳnh nói.
Chị Bùi Thị Thao (vợ anh Huỳnh) tâm sự, với mức giá hỗ trợ và thu mua của công ty, bà con tính nhanh thì cây ớt đem lại hiệu quả hơn cây trồng khác. Hơn nữa, sản phẩm có đầu ra ổn định, thanh toán đều đặn, nông dân yên tâm gắn bó với cây ớt lâu dài sẽ có cơ hội đổi đời.
Gia đình anh Huỳnh đã mạnh dạn đầu tư trồng 3ha ớt. Số tiền bỏ ra làm đất, mua giống, thuê người trồng chăm sóc… cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. Sau hơn 3 tháng, cây ớt cho thu hoạch quả. Thu hoạch được bao nhiêu, gia đình anh đem bán cho Công ty T9 bấy nhiêu.
Sau nhiều tháng thu hoạch, chỉ riêng gia đình anh Huỳnh, số lượng ớt đã bán cho Công ty T9 là hơn 14 tấn ớt. Những hộ dân khác, diện tích ít cũng lên đến cả tấn.
“Tôi bán cho công ty hơn 14 tấn ớt rồi nhưng đến nay chỉ nhận được khoảng chục triệu. Nhiều tháng qua, công ty không trả tiền khiến nhiều hộ lao đao. Riêng gia đình tôi, số tiền bán ớt nếu trả đủ đã hơn 250 triệu đồng”, anh Huỳnh nói.
Bà Quách Thị Kim Mai, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Lương cho biết, các hộ dân thuộc hợp tác xã trồng khoảng 30ha ớt để bán cho Công ty T9. Từ tháng 2 đến nay, công ty vẫn thu mua nhưng không thanh toán tiền cho các hộ dân.
“Tổng sản lượng ớt hợp tác xã đã bán cho Công ty T9 là gần 40 tấn, với giá 19.000 đồng theo hợp đồng ký kết, công ty phải thanh toán cho hợp tác xã số tiền gần 800 triệu đồng. Nhưng đến nay, công ty chỉ mới thanh toán được hơn 282 triệu đồng”, bà Mai nói.
“Cay” vì ớt
Nhìn mấy ha ớt chín đỏ, anh Huỳnh chỉ biết thở dài. Những ngày đầu, khi cây ớt cho thu quả, anh thuê hơn chục người thu hoạch rồi đem bán cho Công ty T9. Gia đình anh mong chờ doanh nghiệp thanh toán từng ngày để có tiền trang trải phí đầu tư, tiền nhân công cho người lao động. Nhưng càng chờ càng thất vọng.
Để thu hoạch được 3ha ớt, gia đình anh Huỳnh thuê hàng chục nhân công với số tiền trả 200.000 đồng/ngày. Nhiều tháng qua, tiền bán ớt không có, anh phải vay mượn để trả công người làm. Số tiền bỏ ra đã lên đến cả trăm triệu đồng.
“Ớt chín đỏ ruộng, không hái thì rụng hết. Giờ có người hái thì mỗi ngày gia đình tôi cũng thu hoạch được hơn một tấn ớt. Công ty không trả tiền nên gia đình tôi không bán cho họ nữa. Giờ thu hoạch được cân ớt nào thì bán cho thương lái để lấy tiền trang trải, dù giá thấp chỉ có 13.000 đồng/kg nhưng vẫn phải bán”, anh Huỳnh nói.
Không chỉ vợ chồng anh Huỳnh “cay” vì cây ớt, mà nhiều hộ dân khác trong xã cũng mắc nợ vì cây “xóa đói giảm nghèo” này.
Anh Phạm Văn Kha bức xúc: “Phía công ty cam kết hỗ trợ phân bón, giống nhưng thực tế là chưa hỗ trợ gì. Các hộ dân chúng tôi phải tự bỏ tiền mua phân bón, thuốc BVTV. Mỗi mẫu trồng ớt tốn kém hơn 40 triệu đồng vì cây này rất khó tính, nhiều sâu bệnh…”.
Anh Kha cho biết thêm, nhiều tháng qua gia đình anh đã bán cho công ty hơn 5 tấn ớt, nhưng đến nay mới chỉ ứng được 15 triệu đồng, không thấm vào đâu so với số tiền bỏ ra đầu tư trồng, chăm sóc, thuê nhân công. Vì thế, đến nay gia đình hết cách để xoay sở trả nợ.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Lương cho hay, Công ty T9 nhiều lần hứa thanh toán tiền cho bà con nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.
“Công ty hứa trả tiền vào tháng 3/2024 nhưng sau đó lại khất nợ đến tháng 5. Đến hẹn tháng 5, công ty không có tiền trả. Mới đây, làm việc với người dân, công ty cam kết phần công nợ chưa thanh toán sẽ tính theo lãi suất ngân hàng”, bà Mai nói.
Đến nay, sau nhiều lần Công ty T9 hứa thanh toán tiền, người dân trồng ớt vẫn chưa được nhận thêm bất cứ khoản tiền nào. Không chỉ các hộ dân ở xã Ngọc Lương, mà các hộ dân ở Hợp tác xã Đại Lợi (xã Đoàn Kết) cũng bị nợ tiền. Điều này khiến nhiều hộ dân vốn đã khó khăn nay vướng vào vụ ớt “cay” lại mắc thêm nợ nhiều hơn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply