Những ngày qua, câu chuyện liên quan tới một nam shipper (người vận chuyển hàng hóa) nhắn tin mắng khách với những lời lẽ khó nghe, chê hàng bẩn hôi tới mức “tắm nhiều lần không hết mùi” làm dấy lên nhiều tranh luận trên các diễn đàn về nghề chạy xe, chuyển hàng.
Theo tìm hiểu, vụ việc xảy ra hôm 15/6 nhưng gần đây vị khách mới chia sẻ trên cộng đồng mạng vì bức xúc. Vị khách tên K. ở Hà Nội cho biết, khoảng 19h20 hôm đó, chị sử dụng một ứng dụng (app) đặt tài xế nhận hàng, chở đồ từ bến xe Giáp Bát về Sở Thượng, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai.
Do hàng là thùng hải sản tươi sống, trọng lượng khoảng 50kg khá to nặng nên vị khách có ghi chú trong đơn đặt trên app là hàng cồng kềnh. Chi phí vận chuyển cho quãng đường là 37.000 đồng, thêm 20.000 đồng do kích thước lớn của thùng hàng nên tổng số tiền của đơn được ấn định là 57.000 đồng.
Đặt hàng xong, chị K. thấy điện thoại thông báo có shipper nhận đơn. Khi nam nhân viên giao hàng gọi điện, vị khách nói do hàng cồng kềnh, cần ưu tiên loại xe có giá chở hàng phía sau, nếu không rất khó di chuyển. Tuy nhiên, nam shipper khẳng định vẫn chở được bình thường.
Tiếp đó, nam shipper tới nhận hàng tại bến xe. Khi đi được khoảng 15 phút, người này ấn nút hủy đơn hàng rồi gọi điện cho khách hỏi xin địa chỉ nhà để giao tận nơi.
Khi đến nơi, nam shipper chê hàng có mùi hôi và rất khó chở nên yêu cầu khách trả 100.000 đồng mới hạ thùng hàng. Chị K. không đồng ý và cho biết chỉ gửi thêm vài chục nghìn bồi dưỡng tài xế. Sau một hồi thương lượng, cuối cùng, khách vẫn chuyển khoản đủ 100.000 đồng cho nam shipper và nhận thùng hàng.
Mọi chuyện tưởng chừng dừng tại đó, bỗng thành chuyện xôn xao khi 20 phút sau, vị khách nhận được tin nhắn chửi bới từ nam shipper với nhiều lời văng tục, nói “hàng bẩn hôi tắm 3 ngày không hết”.
“Tôi cho rằng bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, đặc biệt là nghề làm dịch vụ cần có thái độ tôn trọng đúng mực với khách hàng. Trong trường hợp này, cách ứng xử của người giao hàng khiến tôi rất bức xúc”, chị K. nói.
Khi phóng viên Dân trí liên hệ với công ty giao hàng để trao đổi về trường hợp kể trên, đại diện phòng xử lý đơn khiếu nại của hãng này thực hiện việc rà soát thông tin từ các bên liên quan. Do tài xế hủy ngang đơn hàng, vị khách cũng không phản ánh trực tiếp đến hãng nên việc giải quyết của công ty cũng khó khăn.
Tuy nhiên về quan điểm chung, người đại diện nhấn mạnh, bất cứ nhân viên giao hàng nào làm việc tại hãng đều cần tuân thủ các nguyên tắc đã đưa ra. Hãng sẽ căn cứ theo mức độ nghiêm trọng từng vụ việc, số lần vi phạm để nhắc nhở hoặc tái đào tạo, nhất là với hành vi quấy rối, khiếm nhã, đe dọa khách… Nếu vụ việc nghiêm trọng, hãng sẽ dừng hợp tác với nhân viên.
“Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, chúng tôi luôn khuyến khích khách hàng nên phản ánh trực tiếp tới đường dây nóng. Qua đó chúng tôi mới có đầy đủ thông tin để kiểm tra, xử lý kịp thời”, đại diện phòng xử lý đơn thư khiếu nại của hãng vận chuyển nói.
Sự việc lùm xùm làm dấy lên tranh luận về tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp, hạn chế trong đào tạo, quản lý đối với lực lượng shipper cũng như các cách thức “lách luật” khi làm nghề này.
Thực tế, hãng vận chuyển tính mức chiết khấu 15-20% với mỗi đơn hàng của tài xế. Khoản tiền thực tế shipper nhận cũng không đủ 80-85% giá trị đơn hàng vì còn phải trừ thuế. Vì những “hao hụt” lớn ở khâu trung gian như vậy, các tài xế mới xài “chiêu” hủy đơn sau khi nhận hàng, rồi trực tiếp liên hệ với khách để thỏa thuận mức giá dịch vụ, để có thể nhận trọn tiền cuốc xe.
Nhận định về trường hợp này, anh Nguyễn Quốc Doanh có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề vận chuyển hàng hóa tại TPHCM cho rằng “đây không phải chuyện hiếm xảy ra”.
“Tôi thường xuyên chở các đơn hàng hải sản, hàng đông lạnh trong phạm vi ở TPHCM và biết có hiện tượng tài xế chuyên cắm chốt ở bến xe chờ nhận đơn rồi âm thầm hủy đơn để chạy ngoài như trường hợp trên. Sau đó, tài xế trực tiếp gọi điện cho khách hỏi địa chỉ rồi nài ép lấy thêm tiền với nhiều lý do. Lúc này, khách sẽ vào thế bí, không nhận hàng cũng khó”, anh Doanh nói.
Với trường hợp lấy đơn hàng tại các bãi xe, bãi đỗ thường là hàng cồng kềnh, theo nam shipper, tài xế hoàn toàn có thể gọi điện thương lượng với khách. Ví dụ, thùng hải sản thường bị chảy nước nên tài xế sẽ phải rửa, lau dọn xe sau khi chở hàng, nên có thể hỏi xin thêm 20.000 đồng – 30.000 đồng ngoài phí vận chuyển. Thông thường, cả người giao hàng và nhận hàng đều vui vẻ.
“Cùng là đồng nghiệp nhưng tôi cũng không đồng ý với cách hành xử của nam shipper kể trên. Đã lấy được tiền chênh lệch bên ngoài rồi thì nên vui vẻ, đôi co chửi bới nặng lời như vậy khó trụ lại với nghề lắm”, anh Doanh nhận định.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply