“Nếu tính về giá trị thị trường, mỗi cây có giá vài tỷ đồng. Với số lượng và đường kính như vậy đã giúp cho rừng hương Kbang là độc nhất ở tỉnh Gia Lai và hiếm hoi trên cả nước”, anh Chim cho hay.
Giữa đại ngàn Tây Nguyên tồn tại một cánh rừng giáng hương (hương) cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai). Để tránh sự xâm hại của lâm tặc, những người giữ rừng ngày đêm thay nhau canh gác và luôn đối mặt với muôn vàn nguy hiểm.
Quần thể rừng hương hàng trăm năm tuổi trên lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, thuộc địa giới hành chính xã Krong, huyện Kbang, Gia Lai. Cánh rừng hương này được xem là hiếm hoi trong cả nước vì mật độ cây dày đặc, kích thước cây lớn.
Trong thời điểm gỗ hương ngày càng cạn kiệt, sự tồn tại của quần thể này đã góp phần bảo tồn nguồn gen quý hiếm để phục vụ nghiên cứu, tham quan và nguồn lâm sản vô giá.
Để mục sở thị rừng hương trăm tuổi, chúng tôi phải băng qua những con đường quanh co, gập ghềnh, men theo sườn núi trên chiếc xe cà tàng của lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Ngay từ bìa rừng, đoàn đã chứng kiến những cây hương 4 người ôm không xuể, mọc từng cụm hai bên đường lên.
Len lỏi qua con đường rừng, anh Nguyễn Văn Chim, Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng, tâm sự: “Rừng hương này đã có tuổi đời hơn trăm năm. Cây thường mọc từng cụm, dọc sườn núi. Thời điểm này, hương sẽ bị rụng hết lá, người không biết lại tưởng cây bị chết khô. Anh em đi tuần rừng thấy cây nào bị trọc, rụng hết lá thì chắc hẳn là hương”.
Sau hơn 40 phút băng qua cánh rừng già, chúng tôi đã đến được chốt quản lý bảo vệ rừng Tơ Nang (làng Vir, xã Krong). Chốt đang quản lý, bảo vệ hơn 1.512ha rừng tự nhiên, trong đó có khoảng 256 cây hương. Vì mật độ cây lớn nên công ty đã phân công 4 nhân viên bảo vệ rừng phối hợp cùng khoảng chục người dân trong tổ giao khoán thay nhau đi tuần tra, bảo vệ suốt ngày đêm.
Theo anh Chim, hương ở chốt Tơ Nang đều có đường kính gốc 80-1,2m, vanh 4 người ôm không xuể. Do hương có tuổi trăm năm nên nhiều cây đã mục phần gốc, rỗng ruột, nằm chênh vênh bên vách núi. Quanh thân cây hương chằng chịt các loại cây leo bám từ gốc lên đến ngọn. Một số cây còn dấu tích bị lâm tặc cưa ở phần gốc.
“Cây gỗ hương được xếp vào nhóm I. Cây hương vùng này có đường kính khổng lồ, mùi thơm nhẹ, vân đẹp. Nếu tính về giá trị thị trường, mỗi cây có giá vài tỷ đồng. Với số lượng và đường kính như vậy đã giúp cho rừng hương Kbang là độc nhất ở tỉnh Gia Lai và hiếm hoi trên cả nước”, anh Chim cho hay.
Ông Hồ Ngọc Thọ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa, cho biết: “Thống kê của đoàn liên ngành tỉnh Gia Lai vào năm 2019, trên địa bàn xã Krong có 410 cây hương, phân bố tại 27 khoảnh, 7 tiểu khu. Nhiều cây được xác định đến vài trăm năm tuổi.
Hương mọc tập trung nhiều nhất là ở làng Vir với quần thể khoảng 250 cây và làng H’ro có khoảng 40 cây. Sự tồn tại của quần thể hương lớn nhất tỉnh Gia Lai chứa đựng nhiều ý nghĩa trong việc bảo tồn gen và gìn giữ quần thể rừng phong phú, đa dạng. Công ty đang đề xuất xin hỗ trợ thêm chế độ, chính sách để tăng cường bảo vệ kho báu này”.
Giữa cánh rừng Krong còn 4-6 cây hương cổ thụ đang bị chôn vùi, mục dần theo thời gian. Các cây hương này từ năm 2016 đến 2020 bị lâm tặc cưa hạ, đổ thuốc độc hoặc tự bị ngã đổ. Do quy định “đóng cửa rừng” nên các cây hương này không được vận chuyển ra khỏi rừng, phải giữ nguyên hiện trạng.
Ngày 9/5 vừa qua, trong quá trình tuần tra, lực lượng bảo vệ rừng đã phát hiện tại tiểu khu 90, lâm phần Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Pa quản lý có 1 cây gỗ hương cổ thụ bị bật gốc, ngã.
Qua kiểm tra, cây hương này được đánh số 2F, đường kính gốc khoảng 1,2m, thân cây dài 14m. Cây hương ngã đổ chắn lối đi vào nương rẫy của người dân trên địa bàn. Vì không được tác động nên lực lượng bảo vệ rừng phải mở một đường tránh vòng từ dưới vực sâu để người dân đi lại.
Theo các nhân viên giữ rừng, bảo vệ cây đứng đã vất vả nhưng bảo vệ cây nằm do ngã đổ khó gấp nhiều lần. Lực lượng bảo vệ phải giữ nguyên hiện trạng trong rừng, không được đưa các cây ngã đổ ra ngoài. Lợi dụng các cây hương đang nằm giữa rừng, lâm tặc thường rình mò để cưa trộm hoặc người dân bản địa chặt cành, nhánh lén lút đưa về nhà.
Anh Lê Minh Nhật, Đội phó Đội quản lý bảo vệ rừng, cho biết: “Cây hương mới bị đổ cách lán Tơ Nang khoảng 500m. Chúng tôi đã thuyết phục người dân để xe máy lại rồi đi bộ vòng qua vực để sang bên nương rẫy. Lực lượng đã báo với cơ quan chức năng để có hướng xử lý”.
Theo anh Nhật, trong rừng còn 4-6 cây hương tự ngã hoặc bị lâm tặc xâm hại từ thời gian trước. Cây bị chôn vùi lâu nhất trong rừng khoảng 5 năm. Trải qua mưa gió đã khiến những cây hương cổ thụ bị hư hỏng rất lãng phí. Tuy nhiên, quy định là không được cẩu kéo về để giữ nguyên hiện trường nên lực lượng bảo vệ rừng rất chật vật để canh giữ.
“Mỗi ngày, anh em phải liều mình, trèo lên những vách núi hiểm trở để kiểm tra các cây hương đang mục dần. Công ty đã có nhiều văn bản đề nghị cơ quan chức năng đưa về trụ sở để bán đấu giá hay xử lý theo quy định nhưng vẫn chưa thấy phản hồi”, anh Nhật cho hay.
Ông Vũ Quang Sáng, Hạt kiểm lâm huyện Kbang, cho biết: “Rừng hương có giá trị cao nên luôn bị nhiều đối tượng nhòm ngó để xâm hại. Thời gian qua, Hạt kiểm lâm đã phối hợp tăng cường lực lượng đi tuần tra, cắm chốt bảo vệ tận gốc. Khi phát hiện vi phạm lâm luật, chúng tôi cương quyết truy tìm ra đối tượng để xử lý nghiêm, kịp thời răn đe. Nhờ vậy, rừng hương được bảo vệ, chỉ xảy ra một số vụ chặt cành, nhánh và bị xử phạt hành chính”.
Thời gian qua, Hạt kiểm lâm đã tham mưu các ngành chức năng, đơn vị chủ rừng quyết liệt đấu tranh phòng, chống lâm tặc. Rà soát, lập danh sách các nhóm đối tượng có biểu hiện hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật để theo dõi và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm.
Rời trường Đại học Lâm nghiệp, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Chim (SN 1986) được công ty phân vào nằm gác rừng hương. Đến nay, anh đã có 15 năm tuần tra khắp núi cao, vực sâu trên lâm phần được giao. Từng gốc hương nằm ở khoảnh rừng nào, anh Chim đều thuộc như lòng bàn tay.
Anh Chim cho biết: “Tôi có vợ và 1 người con nhỏ ở tỉnh Bình Định. Mỗi tháng, tôi xin nghỉ phép được 2 ngày nên tranh thủ đi xe máy gần 200km để về thăm gia đình. Ngủ với vợ con được một đêm, sáng tôi lại phải lật đật trở lại chốt để cùng anh em giữ rừng. Tình cảm vợ chồng, bố con chỉ kết nối qua những cuộc gọi chập chờn sóng”.
Những tháng xảy ra dịch Covid-19, anh Chim phải bám rừng suốt nhiều tháng không được về. Ở nhà, hai mẹ con liên tục bị những cơn sốt do nhiễm Covid-19 tra tấn. Thương vợ con, anh đã thuyết phục vợ rời quê Bình Định để vào vùng sâu xã Krong (huyện Kbang, Gia Lai), gần nơi anh làm việc để ở tạm.
“Thấy vợ con vất vả lo chuyện gia đình, sau dịch, tôi đã đưa vợ con lên gần cơ quan rồi thuê một căn nhà nhỏ để vợ chồng cùng ở tạm. Nhờ vậy, vợ chồng, bố con được ở gần nhau, đây cũng là niềm hạnh phúc của cả gia đình. Dẫu biết sẽ thiệt thòi cho vợ con nhưng vì công việc nên chúng tôi luôn động viên nhau để vượt qua”, anh Chim trải lòng.
Theo anh Chim, nghề lâm nghiệp luôn khó khăn, ai đã xác định bám trụ phải cống hiến cả tuổi thanh xuân. Suốt 15 năm gắn bó với rừng hương, anh ít khi có một đêm ngủ trọn giấc. Ban ngày, anh em đi tuần tra rừng, tối thay nhau gác dưới các gốc hương. Nghe có tiếng động, chúng tôi lại vội lên rừng kiểm tra.
“Rừng hương quý khiến chúng tôi vừa canh giữ, vừa lo trách nhiệm. Nhiều năm trước, tôi đã có suy nghĩ viết đơn xin nghỉ việc nhưng được công ty động viên và hỗ trợ thêm lực lượng để phối hợp cùng giữ rừng”, anh Chim cho biết thêm.
Anh Dương Tuấn Anh (SN 1995, chốt trưởng chốt Tơ Nang) cho biết: “Gỗ hương đang được ưa chuộng trên thị trường nên lâm tặc luôn rình rập để khai thác trái phép bất cứ lúc nào. Trước năm 2021, hương liên tục bị lâm tặc vào cưa hạ, đổ thuốc độc cho chết dần. Trước tình trạng này, công ty đã phối hợp công an cương quyết xử lý nghiêm để răn đe. Nhờ vậy, tình trạng xâm hại rừng hương đã giảm nhiều”.
Theo anh Tuấn Anh, lâm phần của công ty quản lý đều nằm ở khu vực khó khăn, rừng sâu, hiểm trở. Chính vì vậy, mỗi người thường phải tự chuẩn bị gạo, cá khô, mì tôm. Cuộc sống khốn khổ vậy nhưng mỗi tháng, lực lượng bảo vệ rừng ở đây nhận về 4-6 triệu đồng. Anh em hay ví nghề này là “ăn cám, trả vàng”.
Mỗi tháng, anh em trong chốt lại phân chia nhau ra từng nhóm để trèo lên núi cao, xuống vực sâu để kiểm tra hiện trạng các cây hương. Trên cung đường ấy bao nguy hiểm luôn rình rập, đường núi hiểm trở, trơn trượt, cây đổ, đá lăn… là những cái “bẫy” chờ đợi lực lượng bảo vệ rừng trên đường tuần tra.
“Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ chế độ chính sách, lực lượng để tăng cường thêm công tác bảo vệ rừng, giảm bớt áp lực cho những người giữ rừng. Đồng thời, tôi mong muốn cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, phát triển rừng hương, duy trì kho báu cho thế hệ mai sau”, anh Tuấn Anh mong mỏi.
Rừng giáng hương trăm năm tuổi ở huyện Kbang mãi xanh, vươn mình trên đại ngàn là nhờ công không nhỏ của lực lượng bảo vệ rừng. Dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm và những đêm không trọn giấc nhưng các anh vẫn âm thầm bảo vệ cánh rừng hương cổ thụ.
Vì giá trị của những gốc hương tính bằng tiền tỷ nên các đối tượng luôn nhòm ngó để cưa hạ. Nhiều năm trước, lâm tặc dùng thủ đoạn đổ thuốc bức tử cây hương hoặc lén lút lên cưa hạ. Vì giá trị cao, cây quý hiếm nên cuộc chiến giữ rừng hương chưa bao giờ hết khốc liệt.
Trước thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh của lâm tặc, các nhân viên bảo vệ rừng phải dựng chốt, lán trên các tuyến đường độc đạo để giữ rừng hương. Gác lại những nỗi lo về gia đình, lực lượng quản lý bảo vệ rừng vẫn âm thầm ngày đêm kiên cường canh giữ rừng hương.
Ông Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, cho biết: “Rừng hương là kho báu quý của tỉnh Gia Lai cũng như Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kon Hà Nừng. Vì giá trị quý, hiếm nên luôn bị lâm lặc rình rập để khai thác trái phép. Đồng thời, rừng hương nằm xen kẽ với đất nông nghiệp của người dân khiến cho việc quản lý, bảo vệ gặp nhiều khó khăn”.
Theo ông Hà, cơ quan chức năng đang lên phương án để đưa số cây hương bị lâm tặc khai thác trái phép ra bán đấu giá theo quy định. Đồng thời, chi cục sẽ tham mưu Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh xem xét lại quy định cấm khai thác tận thu, tận dụng đối với nguồn lâm sản do ngã đổ tự nhiên. Qua đó, sớm đưa số cây hương ngã đổ ra ngoài nhằm san sẻ gánh nặng trách nhiệm bảo vệ cho chủ rừng và tránh lãng phí nguồn lâm sản quý này.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply