Lần đầu rời bản là… đi Tây
Bản Bình Sơn 2, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn, Nghệ An) có 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú sinh sống. Trước đây, đồng bào Khơ Mú sống hoang dã, lợn, gà được nuôi dưới gầm nhà sàn.
Những năm trở lại đây, nhiều gia đình đã làm được nhà khang trang, một phần nhờ nguồn tiền từ đi lao động ở nước ngoài gửi về. Bà con cũng làm chuồng trại để di chuyển vật nuôi ra xa. Không chỉ đổi thay về cơ sở vật chất mà nhận thức của bà con cũng thay đổi, cởi mở hơn.
Anh Cụt Văn Nga (SN 1988), một lao động mới từ Đài Loan (Trung Quốc) trở về, đang bắt tay vào xây dựng nhà mới.
“Ở Đài Loan, hằng ngày tôi đi đánh cá trên tàu, có người nấu cơm cho ăn. Đúng giờ là làm việc, hết giờ là nghỉ, không vất vả bằng ở nhà đi rừng, lương lại cao. Đợt này làm xong nhà tôi lại đi tiếp”, anh Nga chia sẻ.
Từ những người chưa học hết phổ thông, tiếng Kinh chưa thạo, sau khi đi làm việc ở nước ngoài về còn biết ngoại ngữ, anh Cụt Văn Anh (SN 1985) và Cụt Văn Phách (SN 1991), trú bản Bình Sơn 2, dự tính ở nhà một thời gian sẽ tiếp tục đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc).
Anh Phách cho biết: “Giờ tôi biết tiếng Đài Loan rồi, thạo nhiều việc, lần này sang sẽ không đi tàu nữa mà sẽ làm việc trên bờ, lương cao hơn. Khi nào tiết kiệm đủ vốn, tôi sẽ ở nhà sản xuất, chăn nuôi”.
Chị Hoa Y Thinh, Trưởng ban Mặt trận bản Bình Sơn 2, cho biết: “Chồng tôi đi làm việc lần thứ 2 ở Đài Loan, gửi tiền về đều đặn. Tôi đã xây được căn nhà khá khang trang, giờ tập trung lo cho con học, để sau này các cháu có tương lai”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Vi Văn Oanh, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Kỳ Sơn, cho biết, hiện toàn huyện có hơn 300 người đi làm việc ở các nước như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Thời gian qua, công tác giải quyết việc làm, đưa người đi làm việc ở nước ngoài được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND, UBND và sự vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội các cấp. Điều đó, góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nâng cao thu nhập, là một trong những biện pháp hiệu quả góp phần quan trọng trong thực hiện giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết những năm gần đây, thanh niên địa phương đi làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng.
“Họ đi làm việc ở nước ngoài về, có vốn, mở rộng sản xuất, chăn nuôi và thương mại. Nhận thức thay đổi nên tệ nạn xã hội giảm rất lớn. Huyện đang kết nối để đào tạo nghề, ngoại ngữ đủ yêu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, huyện còn kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp có chức năng đưa người đi làm ở các nước.
Với những người đi lao động ở nước ngoài về đã có tay nghề nếu không đi nữa, chính họ mang kiến thức đó để lao động sản xuất, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương”, ông Hùng nói.
Phất lên sau khi trở về
Hiện ở Nghệ An, không ít người “phất” lên nhờ nguồn vốn, kinh nghiệm sau thời gian đi làm việc ở nước ngoài trở về, họ đầu tư phát triển kinh tế.
Gia đình anh Thái Đình Dũng (SN 1976, ở huyện Yên Thành, Nghệ An) làm nông nghiệp, mùa được mùa mất. Với mong muốn thay đổi cuộc sống, anh Dũng quyết định sang Nga làm việc. Anh đã vay mượn anh em, bà con để có kinh phí sang Nga lao động. Sau nhiều năm làm việc ở Nga, anh tích lũy đủ tiền gửi về trả nợ và có ít vốn để về quê lập nghiệp.
Năm 2012, anh Dũng trở về quê, mở xưởng may để tận dụng lực lượng lao động dư thừa tại địa phương. Chỉ trong thời gian ngắn, xưởng may của anh đã thu hút hơn 300 lao động.
Cũng như anh Dũng, anh Nguyễn Đàm Văn (SN 1978, trú xã Sơn Thành, huyện Yên Thành) từ nhỏ đã chịu nhiều vất vả, khổ cực. 10 tuổi, anh Văn thường theo bố nuôi vịt trên các cánh đồng ở quê.
Cuộc sống ngày ấy khó khăn, anh Văn vay mượn tiền mua xe đạp đi bán kem, thuốc lá dạo khắp nơi để phụ giúp gia đình cải thiện cuộc sống.
Năm 1996, một trận mưa lũ đã cuốn trôi căn nhà, nhiều tài sản của gia đình anh Văn, khiến gia đình anh rơi vào cảnh khốn cùng.
Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Văn không chọn con đường đại học mà quyết đi du học nghề tại Cộng hòa liên bang Đức. Năm 2003, sau khi từ Cộng hòa liên bang Đức trở về, có vốn trong tay và được trang bị thêm nhiều kiến thức, anh Văn bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh khách sạn, lữ hành.
“Ngày sang trời Tây, tôi luôn ý thức tích cực học hỏi và trau dồi kiến thức để mong muốn sau này trở về giúp đỡ bản thân, gia đình và quê hương”, anh Văn chia sẻ.
Từ một người làm thuê ở trời Tây, anh Nguyễn Đàm Văn đã trở thành một ông chủ, chăm lo đời sống cho hàng trăm cán bộ, nhân viên. Năm 2007, công ty chuyên về kinh doanh vận tải hành khách của anh Văn được thành lập. Ngày mới thành lập, công ty chỉ có 3 phương tiện nhưng đến nay đã có hơn 100 xe lớn, nhỏ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.
Hiện công ty của anh đã mở rộng thêm 3 ngành nghề là chuyển phát nhanh, bến xe và đưa người đi lao động ở nước ngoài. Với những thành tích đã đạt được, doanh nghiệp do anh Văn làm chủ được Chính phủ ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và rất nhiều giải thưởng cao quý khác.
“Bản thân tôi cảm thấy hết sức vinh dự khi được công ty và các tổ chức tín nhiệm giới thiệu, được Ủy ban MTTQ tỉnh hiệp thương giới thiệu tôi ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026 tại huyện Yên Thành. Đây là nơi tôi gắn bó suốt quãng đời thiếu niên, đối với tôi là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm rất lớn trước cử tri và nhân dân”, anh Văn chia sẻ thêm.
Anh Lê Xuân Hải (SN 1982, trú huyện Yên Thành), sau nhiều năm đi làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc) trở về, không chỉ có vốn mà anh còn tích lũy cho mình kinh nghiệm trồng nho. Tháng 11/2022, anh Hải bắt tay vào làm nhà lưới rộng hàng nghìn mét vuông để trồng nho hạ đen.
Sau thời gian chăm sóc, vườn nho 500 gốc của gia đình anh Hải trĩu quả và cho thu hoạch vụ thứ 2, năng suất lớn, giá bán lẻ tại vườn khoảng 150.000 đồng/kg, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Một người trẻ rất thành công nhờ đi lao động nước ngoài về như anh Lê Lương Nguyên (SN 1982), quê xã Nam Kim, huyện Nam Đàn. Sau khi trở về từ Hàn Quốc, anh được công ty của Hàn Quốc ký hợp đồng lao động, giờ anh là Tổng giám đốc một công ty thang máy của Hàn Quốc tại thành phố Vinh (Nghệ An).
Anh Nguyên chia sẻ, năm 2001, học hết cấp 3 và thi đậu vào Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc (ở Nghệ An). Sau đó, anh đi lao động ở Hàn Quốc đúng như ước nguyện.
“Hồi đó học xong do nhu cầu tuyển lao động của Hàn Quốc chưa nhiều nên tôi lại dự thi và học tiếp Trường đại học sư phạm kỹ thuật Vinh. Năm 2006, tôi tham gia chương trình thi tiếng Hàn và tay nghề để đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc theo diện Visa E9 (visa lao động phổ thông). Năm 2021, tôi được Trung tâm Lao động ngoài nước – Bộ LĐ-TB&XH, phối hợp Văn phòng HRD Korea Hàn Quốc tại Việt Nam trao giải nhất cuộc thi “Lao động EPS (chương trình đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc) về nước khởi nghiệp thành công năm 2021”, anh Nguyên chia sẻ.
Hiện nay, công ty anh Nguyên tạo công ăn, việc làm cho khoảng 90 lao động ở nhiều địa phương với tiền lương 8-15 triệu đồng/người/tháng.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Lao động – Việc làm – An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho biết: “Hiện có hàng trăm ông chủ doanh nghiệp là những người đi làm việc ở nước ngoài về. Sau khi trở về, họ có kiến thức, có vốn, nhiều người lập nghiệp thành công và trở thành triệu phú. Đặc biệt những người lao động ở Châu âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan…”.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply