Multitasking (làm việc đa nhiệm) là khả năng làm rất nhiều công việc cùng một lúc trong một khoảng thời gian nhất định hoặc chuyển đổi nhanh chóng giữa các nhiệm vụ khác nhau. Ví dụ như bạn vừa làm công việc chính tại công ty vừa nhận thêm một số công việc khác ở bên ngoài. Hay vừa ăn trưa vừa chỉnh sửa báo cáo; vừa thiết kế hình ảnh vừa trả lời cuộc gọi của khách hàng…
Multitasking dường như là cụm từ gắn liền với Gen Z (Generation Z). Đây là thế hệ trẻ đã bước chân vào thị trường lao động dưới 10 năm qua. Họ được sinh ra từ khoảng năm 1997 tới 2012; cũng có nhiều người cho rằng Gen Z sinh từ năm 1995 đến 2010.
Khi thực hiện một cuộc khảo sát lấy ý kiến với 10 người lao động dưới 30 tuổi, chúng tôi thu được kết quả, phần lớn Gen Z đều cho rằng khả năng làm việc đa nhiệm là một ưu thế nổi bật của họ khi đi ứng tuyển công việc so với những thế hệ X, Y đi trước.
Đa nhiệm có thật sự tốt?
Sinh ra và lớn lên trong thời đại công nghệ, điều kiện cuộc sống ngày một cải thiện, Gen Z đã sớm “thống lĩnh” mạng xã hội và đặt chân vào thị trường lao động khắc nghiệt. Đây là một thế hệ cá tính, có màu sắc cá nhân riêng, giàu sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Ngoài ra, điểm chung của các bạn Gen Z còn là khả năng làm việc đa nhiệm, không ngại thử thách.
Là một người thuộc thế hệ Gen Z, anh Phạm Hữu Tài (22 tuổi, ở TP.HCM), hiện đang là nhân viên của một ngân hàng chia sẻ, một trong những yếu tố giúp anh vượt qua 3 vòng tuyển chọn khắc nghiệt chính là khả năng làm việc đa nhiệm.
“Với tôi, đa nhiệm không chỉ là một kỹ năng quan trọng khi đi làm mà còn rất quan trọng trong cuộc sống thường ngày. Đa nhiệm không đơn giản là làm nhiều việc cùng một lúc mà đó còn cách mà tôi phân chia thời gian, sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý để đạt được hiệu quả cao, tối ưu hóa thời gian, công sức”, anh Tài nói.
Ý thức được nhu cầu của các nhà tuyển dụng hiện nay, ngay từ khi còn đi học, anh Tài đã luyện tập kỹ năng đa nhiệm bằng cách vừa học vừa đi làm thêm các công việc bán thời gian, tự do bên ngoài.
Anh Tài nói thêm, Gen Z là một thế hệ năng động, thích chinh phục thử thách, vậy nên xu hướng làm việc đa nhiệm mới trở nên phổ biến. Đặc biệt, khi mạng xã hội “lên ngôi”, ranh giới giữa các quốc gia dường như bị phá bỏ thì họ lại càng cởi mở, tư duy linh hoạt, đa dạng hơn nữa.
Đồng tình với quan điểm đó, anh Đoàn Viết Tuấn (22 tuổi, ở TP.Đà Nẵng) chia sẻ: “Làm việc đa nhiệm giúp tôi cũng như các bạn Gen Z khác thể hiện được sự nhiệt huyết, đam mê bên trong mình. Tuổi trẻ, tôi rất muốn cống hiến, muốn thử sức với nhiều công việc, vị trí khác nhau. Vậy nên đa nhiệm chính là một lựa chọn hoàn hảo. Thông qua những trải nghiệm thực tế đó, tôi có thể tích lũy cho mình một vốn sống dày dặn, trau dồi kỹ năng, phát triển tư duy”.
Anh Tuấn cũng nói, người sở hữu khả năng làm việc đa nhiệm phần nào sẽ được cấp trên tin tưởng, trọng dụng nhanh hơn. Đặc biệt với Gen Z, khi vào làm tại một môi trường có nhiều lao động lớn tuổi, đa nhiệm sẽ giúp họ nhanh chóng mở rộng mối quan hệ, dễ dàng hợp tác với đồng nghiệp.
Làm việc đa nhiệm là một xu thế?
Chia sẻ về vấn đề này, chị Phạm Thị Thanh Tâm (33 tuổi, ở TP.Đà Nẵng), quản lý tại một trung tâm Anh ngữ cho hay, công việc hằng ngày của chị Tâm tiếp xúc với rất nhiều Gen Z, chị nhận xét đây là một thế hệ có khả năng tiếp thu nhanh, ứng dụng vào thực tiễn rất tốt. Nhiều bạn nhân sự ở trung tâm của chị sở hữu khả năng làm việc đa nhiệm, họ được các em học sinh, phụ huynh tin tưởng, nhờ vậy góp phần giúp trung tâm ngày càng phát triển.
“Kỹ năng làm việc đa nhiệm là một trong những yếu tố quan trọng giúp Gen Z trở nên nổi bật trong quá trình tuyển dụng. Với khả năng thành thạo công nghệ, tính linh hoạt và kỹ năng giải quyết vấn đề, Gen Z không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện đại mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển và đổi mới trong môi trường làm việc”, chị Tâm nói.
Tuy nhiên, chị Tâm cũng có lưu ý, làm việc đa nhiệm khác với chuyện chúng ta gồng ép bản thân mình quá mức. Thực tế, làm nhiều việc cùng lúc có thể giúp ta nhanh chóng xử lý được nhiều nhiệm vụ nhưng để đạt được hiệu quả cao cần có kế hoạch, chiến lược rõ ràng. Không nên chạy theo xu hướng đa nhiệm mà gò bó bản thân, làm nhiều việc cùng lúc mà việc nào cũng rối bời, dang dở thì cuối cùng lại “mất cả chì lẫn chài”.
“Đừng quá cố gắng làm nhiều việc cùng lúc, bởi vì nó có thể dẫn đến áp lực, stress, lâu ngày sẽ không tốt cho não bộ. Điều quan trọng nhất khi làm việc đa nhiệm chính là tập trung vào công việc, loại bỏ hết những yếu tố mang tính xao nhãng xung quanh để nhanh chóng hoàn thành công việc đó”, chị Tâm nói.
Quản lý này cũng chia sẻ thêm, hiện nay các công ty cũng có xu hướng tuyển dụng người đa nhiệm. Thay vì tuyển dụng nhiều nhân viên cho các vai trò khác nhau, việc có một người có thể đảm nhận nhiều nhiệm vụ giúp tiết kiệm chi phí và tối ưu hóa nguồn lực.
Đặc biệt, đối với những công ty nhỏ hay startup (khởi nghiệp) thì người đa nhiệm lại càng được trọng dụng. Bởi lẽ họ chưa đủ tài lực để thuê người, nhân lực để quản lý nên chọn một người đa nhiệm là lựa chọn tối ưu.
Đừng để đa nhiệm trở thành vấn đề tiêu cực
Chị Phan Thị Phượng (23 tuổi, ở Quảng Trị) bộc bạch, khi nhìn thấy các bạn đồng trang lứa có khả năng làm nhiều việc cùng lúc và thành công, bản thân chị nhiều lần cảm thấy áp lực, thất vọng về mình. Mang tâm lý sợ hãi, không muốn tụt lại phía sau, chị Phượng nhiều lần lao đầu vào làm việc đến mức kiệt sức.
“Khi trải qua nhiều chuyện, tôi nhận ra làm việc đa nhiệm đúng nghĩa trước hết phải làm đủ, làm đúng, làm tốt, sau đó mới nghĩ đến chuyện làm nhiều”, chị Phương đúc kết.
Chị cũng thừa nhận rằng, không phải ai cũng có khả năng làm việc đa nhiệm, nó còn phụ thuộc vào tính chất công việc, thời gian hay khả năng sắp xếp của mỗi người. Đa nhiệm trong thời đại này không chỉ dừng lại ở chỗ làm nhiều việc cùng lúc mà đó còn có thể là học thêm nhiều thứ.
“Ví dụ như tôi là dân content, tôi đã cố gắng học thêm chụp ảnh, quay, edit video, sử dụng các phần mềm chỉnh sửa để bổ trợ cho công việc của mình… Tôi tin đó cũng sẽ là một lợi thế khi đi ứng tuyển công việc”, chị Phượng nói.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply