Vào năm 2007, bà Vũ Thị Ngọc Tú (43 tuổi, ngụ TPHCM) ký hợp đồng lao động với Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM (một ngân hàng lớn có trụ sở tại Đức – PV) với vị trí làm việc là chuyên viên phòng dịch vụ lưu ký chứng khoán.
Trải qua nhiều năm làm việc tại ngân hàng, tháng 2/2015, người phụ nữ này được thăng ngạch lên làm trợ lý Phó Chủ tịch.
Sau 14 năm làm việc tại Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM, cuối năm 2020, bà Tú nhận được thông báo doanh nghiệp này có chiến lược thay đổi cấu trúc, cắt giảm chi phí. Do đó, bà Tú sẽ bị cho thôi việc do vị trí bị dư thừa.
Ngày 16/11/2020, bà Tú nhận được yêu cầu nghỉ nguyên lương từ ngày 17/11/2020 cho đến khi Deutsche Bank Việt Nam có thông báo tiếp theo.
“Trong thời gian này, bị đơn đề nghị nguyên đơn không có mặt tại văn phòng, trụ sở của ngân hàng, tiếp cận tài liệu, tài sản hoặc hệ thống công nghệ thông tin của ngân hàng, liên hệ với bất cứ ai là người lao động, quản lý, nhà phân phối, nhà cung cấp, khách hàng hoặc nhà thầu của ngân hàng”, thông báo nêu rõ.
Ngày 31/12/2020, bà Tú nhận được thông báo, bị đơn sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với mình vào ngày 13/2/2021. Tại thời điểm này, mức lương của bà Tú là hơn 100 triệu đồng/tháng.
Tiếp đó, ngày 9/2/2021, phía ngân hàng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với bà Tú. Đồng thời, nhà băng này cũng chi trả cho bà Tú 455 triệu đồng (số ngày chưa nghỉ phép năm, trợ cấp đào tạo…).
Sau khi nhận được quyết định cho thôi việc, bà Tú cho rằng trong cả quá trình làm việc đã luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao, không có sai phạm hay bị kỷ luật. Bà trình bày với tòa, lý do thực chất bị mất việc là do tư thù cá nhân với phía sử dụng lao động chứ ngân hàng không tái cơ cấu.
Cho rằng phía ngân hàng đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái luật, bà Tú khởi kiện Deutsche Bank AG chi nhánh TPHCM ra TAND quận 1 yêu cầu bị đơn bồi thường 3,6 tỷ đồng cho những ngày không làm việc do hành vi đơn phương chấp dứt hợp đồng trái luật.
Đồng thời, người phụ nữ yêu cầu đơn vị sử dụng lao động phải nhận mình trở lại làm việc, trong trường hợp yêu cầu trên không được đáp ứng thì phải có nghĩa vụ bồi thường 34 tỷ đồng tiền tổn thất về danh dự, uy tín và tinh thần.
Ngược lại, phía bị đơn khẳng định việc tái cơ cấu là có thật, việc xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động cũng như thực hiện thủ tục báo trước đã đúng quy định pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, bị đơn đã tạo điều kiện để 2 bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, bà Tú không hợp tác mà có đơn tố cáo gửi tới nhiều cơ quan với các nội dung không liên quan tới tái cơ cấu và các nội dung tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận là không có cơ sở.
Ngoài ra, phía ngân hàng cho rằng bà Tú không có tài liệu chứng minh việc bị thiệt hại trên thực tế nên đề nghị HĐXX không chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của nguyên đơn.
Tháng 9 năm ngoái, TAND quận 1 mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Tú.
Theo HĐXX cấp sơ thẩm, phía ngân hàng thực hiện tái cơ cấu nhằm tăng lợi nhuận là có thật, ngoài bà Tú còn có 2 lao động khác cũng bị mất việc. Trong quá trình giải quyết hợp đồng lao động, phía ngân hàng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật hiện hành.
Về yêu cầu bồi thường 40 tỷ đồng, HĐXX cho rằng việc bị đơn tái cơ cấu không làm ảnh hưởng tới uy tín, danh dự, nhân phẩm của bà Tú. Mặt khác, nguyên đơn cũng không chứng minh được những thiệt hại thực tế xảy ra từ việc chấp dứt hợp đồng lao động.
Không đồng ý với phán quyết trên, bà Tú kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, theo hướng đề nghị tòa phúc thẩm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của mình.
Ngày 1/8, TAND TPHCM mở phiên tòa xét xử theo thủ tục phúc thẩm nhưng phải tạm hoãn. Thời gian mở lại phiên phúc thẩm được ấn định vào ngày 19/8 tới đây.
Chia sẻ với PV Dân trí, bà Tú giải thích muốn được quay trở lại làm việc vì bản thân rất yêu thích công việc và muốn cống hiến hết mình.
“Gần 4 năm qua là quãng thời gian rất khó khăn với tôi và gia đình, hành trình đi tìm công lý đầy gian nan, vụ án diễn ra quá lâu khiến tôi bị kiệt quệ về tài chính lẫn sức khỏe. Tôi bị mất bảo hiểm, vừa qua, tôi sinh em bé nhưng không có bảo hiểm chi trả nên khó khăn chồng khó khăn”, bà Tú cho biết.
Bên cạnh đó, nữ lao động mong phiên tòa phúc thẩm sắp tới, HĐXX sẽ xem xét toàn bộ nội dung vụ án một cách khách quan.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply