Thành thạo cách “nhảy” cửa sổ máy tính
Là nhân viên thiết kế cho công ty mới khởi nghiệp, Phạm Ngọc Linh (25 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) thừa nhận mức lương 9 triệu đồng/tháng chỉ vừa đủ để cô sống tạm bợ ở thành phố.
Để nuôi “mộng” mua nhà, đón bố mẹ từ quê lên sống cùng, Linh buộc phải nhận thêm việc từ công ty khác. Mỗi ngày, Linh dành tối thiểu 8 tiếng cho công việc “tay phải”, thỉnh thoảng cũng phải tăng ca và mang việc về nhà làm đến đêm.
Những lúc công việc “tay trái” đòi hỏi phải hoàn thành gấp, Linh đành mang cả việc bên ngoài lên cơ quan làm.
“Từ ngày nhận nhiều việc cùng lúc, tôi trở nên thao tác rất nhanh phím tắt để “nhảy” cửa sổ máy tính. Khi sếp đi, tôi sẽ chuyển cửa sổ sang thư mục của việc bên ngoài, sếp đến thì cứ ấn chuyển về thư mục của công ty là được”, Linh cười chua chát, nói.
Lắm lúc, cô gái cũng thấy có lỗi với công ty của mình vì không chuyên tâm và làm việc riêng trong giờ làm việc. Thế nhưng, Linh không còn sự lựa chọn nào khác nếu muốn tăng thu nhập. Đặc biệt, sau thời điểm Covid-19, cô gái từng chứng kiến cảnh các công ty sa thải nhân viên hàng loạt, cắt giảm lương, thưởng.
Vì vậy, Linh cũng không loại trừ bản thân mình một ngày nào đó sẽ bị rơi vào cảnh tượng ấy. Đó cũng là lý do cô cố gắng kiếm nhiều tiền hết mức có thể, dù sức khỏe có bị ảnh hưởng không ít. Theo Linh, người trẻ làm nhiều hơn 2 công việc cùng lúc trong thời đại hiện nay được xem là chuyện quá đỗi bình thường. Bạn bè xung quanh Linh, trong số 10 người thì có khoảng 8 người có lối làm việc tương tự.
Hồ Đặng Trung Tín (27 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình, TPHCM), một chuyên viên dịch vụ trên không của hãng hàng không nổi tiếng tại Việt Nam, cũng phải tranh thủ thời gian nghỉ để đi làm người dẫn chương trình (MC) cho các sự kiện. Để tăng thêm thu nhập, Tín còn nhận đi dạy tại các trung tâm chuyên đào tạo MC.
“Để làm được nhiều việc cùng lúc, bản thân phải là người biết sắp xếp thời gian hợp lý và lúc nào cũng phải tỉnh táo để các công việc không bị ảnh hưởng lẫn nhau. Ngoài thu nhập, các công việc tay trái còn cho tôi nhiều trải nghiệm, mở rộng mối quan hệ trong cuộc sống”, anh Tín chia sẻ.
Xu hướng poly-working
Theo bà Lý Ngọc Trân, Giám đốc dịch vụ nhân sự thuê ngoài, công ty tư vấn nhân sự Talentnet, khái niệm poly-working, làm nhiều việc cùng lúc, dự đoán sẽ trở thành xu hướng làm việc nổi trội, đặc biệt là với nhóm nhân sự trẻ.
Xu hướng này được cho là sẽ tạo ra một thị trường lao động linh hoạt, khuyến khích sự sáng tạo, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức mới cho cả nhà tuyển dụng và người lao động.
Về phía người lao động, bà Trân cho rằng hình thức làm việc này có thể giúp họ tăng thu nhập và kỹ năng, thông qua việc cọ xát ở nhiều ngành nghề khác nhau. Đồng thời, poly-working còn mang đến cảm giác linh hoạt, chủ động kiểm soát nguồn lực cá nhân.
Nhưng ngược lại, hình thức này còn là thách thức cho lối sống work-life balance (cân bằng cuộc sống và công việc) mà người lao động đang đề cao.
Về phía doanh nghiệp, hình thức làm việc này mang đến nguồn lao động đa dạng, linh hoạt, tự do cả về địa lý và thời gian. Đồng thời, nó còn gia tăng năng suất làm việc, tối ưu chi phí cho doanh nghiệp và xây dựng một môi trường đa dạng, kích thích đổi mới.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ đứng trước áp lực trong việc thu hút và giữ chân nhân tài một cách ổn định. Ngoài ra, hình thức tuyển dụng này đòi hỏi họ phải có cơ chế quản trị cần đủ tinh gọn để vẫn tạo lợi thế kinh doanh, đảm bảo hiệu suất và an toàn thông tin. Bên cạnh đó, các chiến lược đãi ngộ cần thêm hoặc bớt một số đề mục để đáp ứng nhu cầu và thúc đẩy người lao động.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply