21h, tài xế Uber 50 tuổi, Nolwazi Mtshekexe (sống tại Nam Phi), nhận cuốc xe tại Soweto. Đây là một góc đường nổi tiếng của tỉnh Johannesburg, thường xuyên có nhiều vụ cướp xảy ra.
Dù biết đón khách vào giờ này là rất nguy hiểm, nhưng cô đành liều một phen vì muốn kiếm tiền nuôi gia đình.
Hành khách là 3 người đàn ông, yêu cầu cô lái xe đến một hộp đêm ở Rosebank, cách đó 35 km, với giá 150 rand (khoảng 200.000 đồng). Họ có vẻ đã say rượu và hai trong ba người đàn ông dường như có mang theo vũ khí. Điều này khiến cô cảm thấy rất sợ hãi.
Những người đàn ông không nói lời nào, ngay lập tức ngồi vào xe của cô và hỏi rằng: “Vì sao bà lại làm việc vào giờ này?”.
“Chồng tôi đã mất, tôi phải làm việc để nuôi 3 đứa con”, cô nói. Sau đó, nhóm người này đã im lặng. Khi gần tới điểm đến, họ thừa nhận muốn cướp xe của cô nhưng lại thấy cô đáng thương. Vì thế, họ quyết định tha cho cô lần này và yêu cầu cô không nên đi lại vào ban đêm.
“Lần sau, chúng tôi sẽ không tử tế như thế này nữa”, một trong ba người đàn ông nói.
Mặc dù đã thoát chết trong gang tấc, Mtshekexe vẫn tiếp tục làm việc ca đêm vì cô không còn sự lựa chọn nào khác. Đây không phải lần đầu cô gặp tình huống này bởi cô từng bị cướp rất nhiều lần.
Mtshekexe nằm trong nhóm tài xế nữ ở Johannesburg. Họ tự gọi mình là “những người lái xe đêm”, thường xuyên chia sẻ các mẹo an toàn hoặc cảnh báo nhau về các mối nguy hiểm. Mtshekexe từng nghe kể nhiều câu chuyện về những tài xế nữ bị tấn công hoặc cướp xe, sau khi họ đón nhiều hơn một khách hàng nam vào ban đêm.
Nam Phi đứng thứ ba ở Châu Phi về chỉ số tội phạm có tổ chức toàn cầu. Các thành phố như Johannesburg, Cape Town và Durban là một trong số các thành phố nguy hiểm nhất thế giới về các vụ cướp xe, cướp có vũ trang, giết người.
Theo ước tính của Fairwork, một dự án nghiên cứu toàn cầu về công việc tự do, báo cáo năm 2023 cho biết có khoảng 135.000 người làm việc tự do dựa trên nền công nghệ ở Nam Phi. Trong đó, những tài xế xe công nghệ thường là người lớn tuổi.
Ndabezinhle Khoza, tổng thư ký của Hiệp hội gọi xe Nam Phi, cho hay các công ty như Uber, Bolt và inDrive không có biện pháp an ninh hiệu quả và thường phản ứng chậm chạp trong các trường hợp khẩn cấp.
“Các tài xế lớn tuổi đang gặp vấn đề về sức khỏe và có thể thấy khó khăn trong việc tự vệ”, ông nói.
Năm 2016, một tài xế Uber, Winnie Mzilankatha, đã bị cướp xe và điện thoại di động. Hai năm sau, một nhóm người đã tịch thu xe của cô vì cho rằng nữ tài xế đón khách trong địa bàn của họ. Winnie phải trả 1.000 rand (1,3 triệu đồng), thu nhập của cả một ngày, để lấy lại xe.
Sau hai sự cố đó, cô từng nghĩ đến chuyện không làm tài xế nữa. Nhưng ở tuổi 50, Winne cảm thấy bế tắc vì không biết làm gì để nuôi 3 người con.
“Tôi bị huyết áp cao. Chân tôi luôn đau và tôi mệt mỏi. Khi nhóm cướp nhìn thấy tôi, chúng dễ dàng lợi dụng tôi”, cô nói. Nữ tài xế cho rằng các hãng xe công nghệ cần dành một quỹ cho những tài xế lớn tuổi để họ dễ dàng nghỉ hưu hơn.
Hãng xe công nghệ Bolt chia sẻ rằng họ đã nắm được các thông tin liên quan đến những nguy hiểm xung quanh tài xế công nghệ lớn tuổi. Họ đang thử nghiệm tính năng xác minh hành khách để cải thiện sự an toàn của tài xế.
Phía cảnh sát cho biết cũng đang phối hợp với các hãng xe công nghệ để tìm ra giải pháp cải thiện an ninh cho tài xế.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply