Một chiều nắng nóng ở nơi được mệnh danh là “chảo lửa” của tỉnh Thừa Thiên Huế, phóng viên tìm đến vườn cau của lão nông Đoàn Minh (68 tuổi, trú thôn 11, xã Hương Xuân, huyện Nam Đông). Ông là một trong những người sở hữu diện tích cau lớn nhất ở huyện miền núi này.
Ông Minh kể, cách đây 27 năm, ông bắt đầu trồng cau, và dần dần trở thành cây kinh tế chủ lực của gia đình. Hiện gia đình lão nông này sở hữu hơn 1ha cây cau và 3ha cao su, tạo nguồn thu nhập ổn định.
“Trồng cau chỉ mất công chăm sóc khoảng 4 năm đầu tiên, còn sau đó thì ít phải chăm hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Có những trận mưa bão lớn, nhiều diện tích cao su, tràm hoa vàng gãy đổ tơi bời nhưng cây cau vẫn đứng vững. Khi được mùa, được giá, thu nhập của người dân trồng cau rất cao”, ông Minh chia sẻ
Hiện nay, cau bắt đầu vào mùa thu hoạch. Ông Minh tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn tự leo lên những cây cau 20-25 năm tuổi trong vườn, hái quả xuống bán cho thương lái.
“Mấy năm trước còn khỏe mạnh, một mình tôi tự leo nhưng nay sức có hạn rồi nên phải gọi người hái phụ”, vừa nói ông Minh vừa đeo dụng cụ rồi leo phắt lên cây cau cao vút.
Từ đầu vụ đến nay, gia đình ông Minh đã thu hoạch được hơn 1 tấn cau tươi, với giá bán dao động từ 55.000-60.000 đồng/kg. Ông Minh ước tính khi hết vụ, vườn cau của ông sẽ cho thu hoạch khoảng 15 tấn.
Ông kể, cách đây mấy năm, cau Nam Đông được mùa, được giá, thương lái đến tận vườn thu mua với giá 72.000 đồng/kg. Mức giá trên đem về cho gia đình nông dân này nguồn thu trên 1 tỷ đồng.
Với nguồn thu nhập ổn định từ quả cau, ông Đoàn Minh đã xây dựng được nhà cửa khang trang, nuôi 3 người con ăn học thành tài. Đặc biệt, ông còn tậu được nhà tiền tỷ cho con ở huyện Bình Chánh (TPHCM) nhờ tiền bán cau.
Bà Trần Thị Mỹ Huệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Xuân (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) chia sẻ, ông Minh là 1 trong số ít hộ trồng cau tập trung với diện tích lớn ở địa phương và là hộ làm kinh tế giỏi.
Theo bà Xuân, toàn xã Hương Xuân hiện có khoảng 41ha cau, trong đó có 11ha trồng tập trung, còn lại người dân trồng xen ghép, phân tán cùng với các loại cây khác. Nhờ nguồn thu nhập từ trồng cau và làm kinh tế rừng, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, vươn lên khá giả, có của ăn của để.
Đến nay, xã Hương Xuân chỉ còn 7 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,57%) và 10 hộ cận nghèo (chiếm 0,81%).
Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có 1 lò sấy cau cỡ lớn mới được đầu tư xây dựng và nhiều điểm thu mua cau khác, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Một thương lái thu mua cau tiết lộ, thời điểm này giá cau tươi liên tục nhảy vọt, người mua cạnh tranh nhau rất khốc liệt. Mỗi ngày, có hàng trăm người tỏa đi khắp nơi để thu mua.
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân trí, cau từng là cây giúp thoát nghèo của nhiều hộ dân ở huyện miền núi Nam Đông. Toàn huyện có khoảng 200ha trồng cau, trong đó tập trung chủ yếu tại các xã: Hương Xuân, thị trấn Khe Tre, Hương Phú, Hương Lộc.
Lãnh đạo huyện Nam Đông cho biết, hiện nay, thương lái không chỉ thu mua cau của người dân trên địa bàn mà còn nhập hàng từ nhiều địa phương khác về để sấy khô, sau đó xuất đi nước ngoài, giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply