Huyện Thanh Chương (Nghệ An) được xem là thủ phủ trồng trám của tỉnh, với khoảng 1.000 cây trám cổ thụ và 5.000 cây ghép, sản lượng hàng năm ước đạt 350-400 tấn. Trám được trồng nhiều tại các xã Hạnh Lâm, Cát Văn, Thanh Nho, Thanh Đức…
Giống trám bản địa, quả to, cùi dày, thơm, bùi được người tiêu dùng ưa chuộng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ trồng. Ngoài bán quả tươi ra thị trường, trám đen Thanh Chương được các cơ sở chế biến thu mua để sản xuất trám muối đóng hộp, qua đó nâng cao giá trị kinh tế của loài quả được xem là “vàng đen” này.
Xã Hạnh Lâm là một trong những địa phương trồng nhiều trám của huyện Thanh Chương. Theo ông Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch Hội nông dân xã Hạnh Lâm, toàn xã có hơn 1.000 cây trám trong độ tuổi cho thu hoạch.
“Trám được trồng rải rác trong vườn nhà dân là chủ yếu, mỗi nhà 5-10 cây, 4 hộ trồng nhiều, trên dưới 200 cây mỗi hộ. Trồng trám chi phí chăm sóc thấp, ít sâu bệnh, do vậy, so với nhiều loại cây ăn quả khác, cây trám có giá trị kinh tế cao hơn. Trung bình mỗi cây trám cho thu hoạch khoảng 10 triệu đồng, có cây hơn 20 triệu đồng”, ông Luân cho hay.
Tuy nhiên, năm nay, năng suất trám giảm sâu, chỉ bằng gần 1/2 vụ năm ngoái. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hạnh Lâm, thời điểm trám ra hoa gặp mưa lớn khiến tỷ lệ đậu quả không cao. Bên cạnh đó, khi trám đậu quả lại gặp gió lốc nên bị rụng nhiều. Một diện tích khá lớn cây trám có tuổi đời cao, năng suất giảm.
Mất mùa khiến giá trám quả tăng cao. Hiện, giá trám tươi dao động ở mức 120.000-130.000 đồng/kg, trám loại 1 có thể lên tới 150.000 đồng/kg.
Theo ông Luân, giá cao nhưng không nhiều hộ dân có trám bán ra thị trường. Mặc dù rơi vào tình trạng mất mùa nhưng người thiệt hại nhiều hơn lại là các thương lái do phần lớn các hộ dân đã “bán quạ” từ khi trám mới ra hoa.
Anh Lưu Công Long (trú huyện Thanh Chương), một thương lái buôn trám cho biết, vụ trám này anh đầu tư gần 1 tỷ đồng mua quả của 135 cây trám, rải rác trên nhiều xã.
Việc “mua quạ” cả cây được các thương lái thực hiện từ khoảng 7 năm trở lại đây. Theo anh Long, sản lượng trám trên địa bàn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Bởi vậy, các thương lái mua từ khi trám vừa ra hoa nhằm tránh tình trạng tranh mua vào vụ thu hoạch, đẩy giá ên cao và để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng ngoại tỉnh.
Thương lái dựa vào khả năng đánh giá sản lượng của cây và chất lượng quả trám để đưa ra mức giá phù hợp. Sau khi thống nhất giá cả, thương lái phải thanh toán 2/3 hoặc một nửa cho chủ cây, phần còn lại thanh toán khi thu hoạch.
“Với 135 cây trám đặt cọc trước, tôi ước tính sản lượng 20 tấn quả nhưng thực tế chỉ được khoảng hơn 2 tấn. Đầu tư gần 1 tỷ đồng nhưng không biết tôi có thu hồi được 150 triệu đồng không vì còn chi phí thuê người hái, nhặt trám nữa”, anh Long buồn rầu cho biết.
Điều an ủi anh Long và các thương lái là khi mùa trám thất thu thì nhiều hộ trồng trám cũng chia sẻ rủi ro với họ. “Có hộ dân giảm 2/3 phần thanh toán còn lại, có hộ cam kết để thương lái thu hoạch mùa sau để bù lỗ”, anh Long cho hay.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply