Gia đình ông Thạch Cộng (67 tuổi) được biết đến là một trong những nông hộ có thu nhập cao nhất xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Gia đình ông đang có 3ha vườn dừa sáp và 3ha ruộng lúa.
“Chỉ tính tiền bán dừa sáp mỗi tháng tôi thu trên 30 triệu đồng, mỗi năm trừ chi phí để lãi trên 300 triệu đồng”, ông Cộng cho biết.
Lão nông kể: “Khoảng 40 năm trước người ta nói trái dừa sáp là dừa hỏng, không bán được, cho cũng không ai lấy. Bổ trái dừa ra thấy cơm nước lẫn lộn trông sền sệt nên có người còn sợ ăn đau bụng”.
Thế nhưng ông Cộng lại có suy nghĩ khác người, ông cho rằng trái dừa sáp có đặc điểm khác dừa thường là do giống cây. Hơn nữa ông tin một trái dừa vừa thơm ngọt, lại béo thì không thể là trái hỏng.
Nghĩ vậy, dù thời đó cả ấp đều chê, nhưng năm 1990 ông Cộng vẫn đánh liều trồng 2 công (2.000m2) dừa sáp. Ông nhận thấy dừa sáp ngon hơn dừa ta, nên nhận định trước sau gì trái quý này sẽ có giá trị.
Từ năm 1996, vườn dừa sáp của ông Cộng bắt đầu cho trái. Vì giao thương chưa phát triển nên hàng vẫn không bán được, ông Cộng phải nhận không ít lời bàn ra tán vào về sự dại dột của mình. Có người khuyên ông nên chặt dừa sáp để trồng dừa thường, nhưng ông kiên quyết giữ vườn.
Đến những năm 2000, trái dừa sáp dần được khách thập phương biết tới, đánh giá cao, ông Cộng bỗng trở thành nông dân có thu nhập tốt.
“Khi giá trị trái dừa sáp vừa được biết rộng rãi, giá bán đã vọt lên gấp 10 lần dừa thường. Nhờ có vườn dừa sáp, năm nào tôi cũng thu lãi lớn.
Để dành được tiền, tôi mua thêm đất vườn để mở rộng diện tích trồng dừa, thu nhập theo đó lại tăng lên”, ông Cộng chia sẻ.
Lão nông cho biết, dù cây dừa sáp nhưng không phải trái nào cũng có sáp. Trồng dừa sáp có nhiều yêu cầu hơn dừa thường, phải chăm sóc, bón phân đúng kỹ thuật cây mới cho nhiều trái có sáp và sáp chất lượng.
Theo thống kê của ngành chức năng, tỷ lệ dừa sáp trong buồng chỉ 20-30%, nhưng ông Cộng cho biết ở vườn ông tỷ lệ trái sáp lên đến 50%.
Vườn dừa sáp của ông Cộng cho trái quanh năm, trung bình mỗi cây một năm cho thu trên 100 trái. Tùy chất lượng sáp, mỗi trái dừa bán tại vườn sẽ có giá 30.000-90.000 đồng.
Sau hơn 30 năm, từ 2 công dừa sáp ban đầu, đến nay ông Cộng đã tậu được 6ha đất, trong đó một nửa trồng dừa sáp, một nửa vì không trồng dừa được nên vẫn để làm ruộng. Công việc thường ngày của lão nông khá nhẹ nhàng, chỉ đi thăm vườn, gom dừa bán rồi vui vẻ đếm tiền lãi.
Bà Phó Thục Hân, Phó giám đốc Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân xác nhận chuyện trái dừa sáp đã có thời bị xem là trái hỏng, bỏ đi. Tuy nhiên khoảng 20 năm nay, dừa sáp có giá trị đặc biệt cao và ổn định.
Bà Hân ví dụ, vài năm gần đây và đầu năm nay, giá dừa thường có lúc xuống còn 3.000 đồng/trái và rất khó bán, nhưng giá dừa sáp loại 1 luôn dao động ở mức 100.000 đồng/trái và hút hàng.
Bà Hân cũng cho biết, gia đình ông Cộng là nông hộ có thu nhập cao nhất HTX và cao bậc nhất ở địa phương. Ông Cộng là tấm gương cho các nông dân trong vùng học tập.
Hiện toàn tỉnh Trà Vinh có gần 1.300ha vườn dừa sáp, cây dừa sáp đã xuất hiện ở tỉnh này tròn 100 năm, trở thành loại cây đặc sản nổi bật nhất địa phương.
Để kỷ niệm 100 năm cây dừa sáp được trồng ở Việt Nam và mừng lễ Vu lan Thắng hội (lễ hội của người Hoa ở Trà Vinh) được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Trà Vinh sẽ tổ chức Festival 100 năm Dừa sáp kéo dài 7 ngày (25-31/8).
Lễ hội diễn ra ở thị trấn Cầu Kè với loạt hoạt động hấp dẫn như bắn pháo hoa, liên hoan lân sư rồng, chơi trò chơi dân gian, thực hành tín ngưỡng Ông Bổn, trưng bày gian hàng trái cây đặc sản trong đó có nhiều gian hàng dừa sáp, hội thi chế biến món ăn từ dừa sáp và không gian ẩm thực, hội chợ thương mại…
Tỉnh Trà Vinh kỳ vọng qua sự kiện, giá trị của dừa sáp và lễ Vu lan Thắng hội sẽ được quảng bá đến du khách gần xa, thu hút khách du lịch và nhà đầu tư tới địa phương.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply