Thiếu cơ sở vật chất, khung đào tạo chung
Tại hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn tại các trường cao đẳng”, do trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng tổ chức vào chiều 16/8, Tổng Cục Trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, TS Trương Anh Dũng, nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc nhận thức những cơ hội và thách thức trong tiến trình đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn.
“Ngành công nghiệp bán dẫn là một ngành rất quan trọng. Để chuyển đổi số, chúng ta phải bắt đầu từ những con chip. Nhưng để có những con chip này, chúng ta phải có công nghiệp bán dẫn thật phát triển”, Tổng Cục Trưởng Tổng cục giáo dục nghề nghiệp nhận định.
Theo TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học quốc gia TPHCM), năm ngoái, nhu cầu của doanh nghiệp cần nhân lực bán dẫn tăng 10-15%. Dự tính đến năm 2030, thị trường Việt Nam sẽ cần 30.000-50.000 nhân lực bán dẫn.
“20 năm qua, chúng ta đã tham gia đào tạo về mảng thiết kế vi mạch, thu hút được một số “ông lớn” công nghệ về Việt Nam đầu tư như Intel, Amkor…”, TS Nguyễn Minh Sơn nói.
Tuy nhiên, ông nhận định việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.
“Nhìn chung, chúng ta vẫn chưa có điểm nổi bật trong đào tạo, cần phải có góc nhìn khác để ngành vi mạch bán dẫn tham gia sâu hơn vào thị trường thế giới. Trong 3 khâu thiết kế, chế tạo và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói, một số trường hầu như chưa đào tạo khâu chế tạo và ATP (đóng gói, kiểm hàng)”, TS Nguyễn Minh Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Minh Sơn và các chuyên gia đặt vấn đề rằng liệu trường cao đẳng có đủ khả năng đào tạo nguồn nhân lực hay không. Hiện tại, Việt Nam cũng có 15 trường đào tạo về vi mạch bán dẫn, tuy nhiên các trường cao đẳng vẫn chưa tham gia vào các ngành liên quan.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần TUMIKI, các trường đại học và sau đại học sẽ phù hợp đào tạo quy trình thiết kế, trong khi đó, các trường cao đẳng nên đẩy mạnh đào tạo ATP.
Ông đánh giá hiện nay, các thách thức trong việc đào tạo nhân lực nguồn bán dẫn hiện nay gồm: thiếu khung đào tạo chung và cơ sở hạ tầng đáp ứng cho thực hành.
“Ngoài ra, thời gian đào tạo thực tế của chúng ta chỉ 3 năm trong khi thời gian đào tạo thực tế cần là 4 năm. Bên cạnh đó, mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ và chưa tối ưu việc cung cấp nhân lực”, ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, nhân lực Việt Nam phù hợp nhất với quy trình đóng gói, kiểm tra trong ngành bán dẫn. Để nâng cao năng lực trong thiết kế và sản xuất, các cơ sở giáo dục cần đầu tư thêm vào đào tạo chuyên sâu và hợp tác quốc tế, cũng như cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để thực hiện vẫn đang là vấn đề khó khăn mà các cơ sở phải đối mặt.
Tăng cường hợp tác trường với trường, doanh nghiệp với doanh nghiệp
Để vượt qua những thách thức kể trên, TS Nguyễn Minh Sơn, Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) đề xuất việc phát triển nguồn nhân lực bán dẫn cần có chiến lược phát triển lâu dài, ít nhất là 20 năm.
Bên cạnh đó, thay vì hoạt động riêng lẻ, các trường cần hợp tác để tạo ra một cộng đồng thống nhất, trao đổi khung đào tạo, chuyên gia tiềm năng. Việt Nam cũng cần hình thành hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, tạo môi trường thu hút đầu tư nhà đầu tư nước ngoài (FDI).
“Ngoài ra, chúng ta có thể nghiên cứu phát triển trung tâm bán dẫn quốc gia, phát triển công ty nội địa về ATP và thiết kế vi mạch, hệ sinh thái Starup Semi-IC…”, TS Nguyễn Minh Sơn chia sẻ.
Trước thách thức về nguồn tài liệu, ông Sơn cho rằng các cơ sở đào tạo cần tận dụng lĩnh hội nguồn lực bên ngoài như tổ chức giảng dạy trực tuyến từ các giáo sư Đài Loan, Nhật Bản,…
Chia sẻ giải pháp về đào tạo thiết kế IC cho giáo dục, ông Nguyễn Quốc Tuấn đề xuất ứng dụng phần mềm MicroWind, EDA công nghiệp để ứng dụng mô phỏng trong giảng dạy.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục cần thành lập một cộng đồng thuộc quản lý của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, để xây dựng chương trình khung đào tạo chung; đưa giảng viên đến các trường đào tạo, trao đổi và đồng bộ hóa chương trình…
Theo TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, việc đầu tư chuẩn bị nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn cũng sẽ là chìa khóa để các nhà đầu tư quyết định chuyển cơ sở của họ sang Việt Nam.
“Bán dẫn là ngành công nghiệp rất lớn, gồm nhiều khâu từ nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn, thiết kế, chế tạo đến đóng gói.
Để đào tạo nhân lực đáp ứng đúng và đủ cho nhu cầu thị trường, chúng ta phải trả lời được câu hỏi doanh nghiệp nào đã và sẽ đầu tư vào Việt Nam, đầu tư vào phân khúc nào, thực hiện công đoạn nào trong quy trình công nghệ bán dẫn”, TS Lê Đình Kha phát biểu.
TS Trương Anh Dũng cho hay Tổng cục đã có văn bản gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về việc rà soát năng lực đào tạo các ngành mới nổi, trong đó có các ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn.
“Tổng cục sẽ hỗ trợ tạo các kênh để tăng sự hợp tác giữa nhà trường với nhà trường và nhà trường với doanh nghiệp, nhằm làm rõ nhiệm vụ, nhu cầu của từng đơn vị. Từ đó, chúng ta mới có thể vạch ra một chiến lược rõ ràng”, TS Trương Anh Dũng nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply