Cuối năm 2019, khi vừa tròn 19 tuổi, Vũ Thị Thu Hoa (quê Chí Linh, Hải Dương) quyết định sang Nhật Bản, vì một người đặc biệt – đứa em trai bị bại não.
“Vào năm 2014, khi mang thai tháng thứ 6, mẹ tôi gặp biến chứng vỡ ối do làm việc quá sức. Do quá trình sinh nở diễn ra không thuận lợi, em bé bị ngạt khí và sức khỏe kém.
Một năm sau, gia đình tôi mới phát hiện em bé không biết lật, chỉ có thể nằm ngửa. Các bác sĩ chẩn đoán, em tôi bị bại não do bị thiếu oxy lên não khi sinh.
Từ đó, gia đình tôi mỗi người một nơi. Mẹ và em trai ngày ngày ở viện. Bố đi làm thợ xây kiếm tiền, tôi thay mẹ quán xuyến việc nhà, Hoa kể.
Sau nhiều đêm trằn trọc, Hoa quyết định học hết cấp 3 sẽ tìm đường “xuất ngoại”, để kiếm tiền giúp em trai đi tìm những bước đi đầu tiên trong đời.
Năm 2019, Hoa lên mạng tìm kiếm đơn hàng sang Nhật Bản và may mắn đến với cô gái 19 tuổi chỉ sau 1 tuần. Sau khi đậu phỏng vấn, Hoa nhờ bố mẹ vay ngân hàng và người thân hơn 200 triệu đồng để lo chi phí.
Theo hợp đồng, cô đến làm công nhân trong xưởng sản xuất linh kiện xe đạp ở tỉnh Yamaguchi. Mỗi ngày Hoa làm việc 8 tiếng, tăng ca là 10 tiếng để thu về 8-9 man. Nếu tăng ca 40 tiếng/tháng, cô nhận được 12-13 man (trên 20 triệu đồng, giá man năm 2020).
“Khi đó, tuy công ty lương thấp nhưng giá man cao, 1 man đổi ra được hơn 2 triệu đồng tiền Việt. Trừ hết chi phí, tôi chỉ giữ lại 2 man tiền ăn, còn đâu gửi về nhà hết.
Có những lúc bố mẹ tôi không còn tiền trang trải cuộc sống, tiền thuốc của em phải đi vay lãi. Bởi vậy, 2 năm đầu ở Nhật, tôi không dám ốm, có mệt cỡ nào cũng đi làm để có tiền”, Hoa kể.
Mất 2 năm “cày cuốc”, Hoa mới trả hết khoản nợ của bố mẹ. Những năm sau đó, khoản tiền dư hàng tháng, cô luôn chuyển về đúng hạn để bố mẹ trang trải chi phí chữa bệnh của em trai.
“Đi làm dư được bao nhiêu, tôi gửi về bấy nhiêu. Đến nay, tôi chỉ mới mua cho bố mẹ được gói bảo hiểm trị giá 100 triệu đồng”, Hoa nói.
5 năm ở đất nước mặt trời mọc, Hoa vẫn đang là thực tập sinh, diện lao động bậc một. Ở Nhật, diện của cô là thấp nhất, chủ yếu làm công việc chân tay.
Vì vậy, Hoa đang nỗ lực học thêm tiếng Nhật, để thi lên lao động bậc hai, gọi là Tokute Gino – visa kỹ năng đặc định, được gia hạn ở lại thêm 5 năm. Có như vậy, Hoa mới mong tìm được công ty có chế độ đãi ngộ tốt hơn.
“Hiện tại, tôi cầm về tay 12-13 man/tháng, cao hơn hồi mới sang. Không may, giai đoạn này tiền Nhật mất giá, trước kia 1 man đổi được hơn 2 triệu đồng, nay chỉ đổi được gần 1,7 triệu đồng.
Thấy vậy, bố mẹ khuyên tôi về, rồi đi nước khác nhưng tôi chọn ở lại Nhật. Giờ không có tiền tích lũy, đi nước nào cũng phải vay mượn, trong khi áp lực tiền chữa bệnh cho em trai vẫn còn đó.
Thay vì đi nước khác, thời gian này tôi cố gắng bán hàng online, thu nhập không nhiều, nhưng đủ để tôi trang trải sinh hoạt”, Hoa tâm sự.
Câu chuyện của cô gái Hải Dương sau khi chia sẻ lên mạng xã hội, chạm đến trái tim nhiều người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Nhiều người bày tỏ sự khâm phục, động viên tới cô gái trẻ sớm vượt qua khó khăn.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply