Món quà ý nghĩa
Ông Đỗ Văn Thơ, 56 tuổi, nổi tiếng khắp xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa nhờ nghề trồng bưởi đỏ “tiến vua”.
“Hàng chục năm qua, cả gia đình tôi sống nhờ giống bưởi đặc sản của quê hương. Cũng nhờ bưởi mà tôi nuôi hai con khôn lớn nên người, có của ăn của để”, ông Thơ nói.
Quê gốc của ông Thơ ở làng Luận Văn, xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân – vùng đất nổi tiếng với giống bưởi đỏ “tiến vua” đặc sản. Khoảng vài chục năm trước, do điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình ông rời làng, đi khai hoang, lập nghiệp ở cánh đồi thôn Xuân Tân (xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân).
Đến ở nơi vùng đất mới, ông Thơ đem theo 2 cây bưởi đỏ Luận Văn của cha tặng rồi trồng ở cánh đồi thôn Xuân Tân. Ngoài ra, hơn 1ha đất đồi khô cằn được ông Thơ cải tạo rồi trồng thêm mía, sắn.
Tuy nhiên, sau nhiều năm khai hoang, lập nghiệp ở vùng đất mới, kinh tế của gia đình chẳng khá lên được là bao. Giữa lúc khó khăn, ông Thơ nhìn 2 cây bưởi đặc sản của cha tặng đang vào độ chín đỏ ở góc vườn rồi nảy ra ý tưởng nhân rộng giống bưởi này để thay đổi cơ cấu cây trồng.
Nghĩ là làm, từ 2 gốc bưởi bản địa ban đầu, ông Thơ nhân giống thành vườn bưởi rộng hơn 1ha. Đến nay, ông Thơ sở hữu hơn 500 gốc bưởi đỏ, mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 7.000 quả.
“Với giá 65.000 đồng/quả (bưởi loại 1), sau khi trừ chi phí, tôi bỏ túi hơn 300 triệu đồng”, ông Thơ nói.
Theo ông Thơ, bưởi Luận Văn sau khi trồng khoảng 4-5 năm sẽ cho ra quả, mỗi năm thu hoạch 1 lần vào dịp cuối năm. Khác với các giống bưởi khác, bưởi Luận Văn cho quả to, tròn đều, khi chín sẽ chuyển dần từ màu xanh sang màu đỏ gấc từ ngoài vỏ đến múi, tỏa hương thơm nhẹ.
“Với mùi thơm và hình dáng đẹp, trước kia bưởi Luận Văn được người dân địa phương dâng lên Vua làm quà. Ngày nay, bưởi Luận Văn được nhiều người săn tìm vào mỗi dịp Tết để thắp hương, làm quà biếu. Mỗi dịp cuối năm, tại vườn nhà tôi tấp nập các thương lái đến mua”, ông Thơ chia sẻ.
Kiếm gần nửa tỷ đồng từ vườn trồng kiểu mẫu
Theo ông Thơ, vườn bưởi Luận Văn của gia đình ông hiện nay là mô hình tiên phong trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Nói về ý tưởng làm bưởi hữu cơ, ông Thơ cho biết, đây là phương thức sản xuất nông nghiệp hướng tới sự an toàn với môi trường và sức khỏe con người.
Bởi vậy, những sản phẩm bưởi hữu cơ của gia đình ông được thương lái rất ưa chuộng, giá bán cao nên không lo đầu ra.
Ông Thơ cho hay, bưởi Luận Văn là giống quý nên quy trình chăm sóc phải rất chặt chẽ và tỉ mỉ.
“Khi cây ra đọt non thì phun thuốc sinh học để phòng ngừa sâu bệnh và tiếp tục phun phòng, xử lý côn trùng chích hút khi cây đậu quả. Thời điểm bưởi to bằng cái chén phải bọc túi để hạn chế côn trùng chích hút, gây hại. Việc bảo vệ quả từ khi còn quả non giúp hạn chế tác động của thời tiết tiêu cực ảnh hưởng đến chất lượng quả bưởi”, ông Thơ chia sẻ.
Cũng theo chủ vườn, quá trình chăm sóc cần lưu ý bón phân sinh học đủ hàm lượng, đúng thời điểm để cây phát triển, nuôi quả. Bên cạnh đó, cần bổ sung lượng phân chuồng phù hợp để bón cho cây sau mỗi vụ thu hoạch.
Bên cạnh việc trồng bưởi, ông Thơ còn nuôi hơn 100 đàn ong lấy mật. Theo ông Thơ, mỗi năm gia đình ông thu nhập thêm khoảng 100 triệu đồng từ tiền bán mật ong. Nếu tính cả bưởi và ong kết hợp, mỗi năm ông kiếm gần nửa tỷ đồng.
Ông Thơ cho biết, thời gian qua, ông đang tiếp tục mở rộng mô hình theo kiểu vườn cây kiểu mẫu bằng việc trồng xen kẽ giữa bưởi với cây đinh lăng, dược liệu.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, cho biết ông Thơ là người tiên phong trong việc phát triển mô hình trồng bưởi đỏ “tiến vua” ở địa phương.
Theo ông Hải, toàn xã hiện nay có hơn 10ha bưởi đỏ, nhờ trồng bưởi đỏ mà nhiều gia đình có kinh tế ổn định, đặc biệt là dịp cuối năm.
“Địa phương đang xây dựng các vùng trồng trên quy mô lớn để nhân rộng mô hình này. Xét về các loại cây ăn quả, không có cây trồng nào đem lại hiệu quả cao như giống bưởi đỏ hiện nay. Chúng tôi đánh giá rất cao các mô hình bưởi đỏ đang có ở địa phương, đặc biệt là hộ gia đình ông Đỗ Văn Thơ”, ông Hải nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply