Đau đầu tìm sinh kế thay thế cây dừa
Gần đây, sâu đầu đen lại xuất hiện và tàn phá nhiều vườn dừa ở Tiền Giang. Sâu gây hại trên diện rộng ở một số xã thuộc huyện Chợ Gạo, khiến nhà nông đau đầu tìm sinh kế thay thế.
Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, tính đến đầu tháng 8/2024, xã Xuân Đông là địa phương có diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công lớn nhất với hơn 181ha của 407 hộ bị ảnh hưởng, kế đến là xã Hòa Định có trên 16ha và xã An Thạnh Thủy gần 2ha.
Men theo con đường dọc theo ấp Tân Ninh thuộc xã Xuân Đông, không khó để bắt gặp những cây dừa bị sâu đầu đen phá hoại trở nên xơ xác, chết khô. Nhiều vườn dừa trước đây tươi tốt, xanh rì nay rụng trụi lá, buồng chỉ còn mỗi thân cây.
Anh Bùi Văn Hết ngụ ấp Tân Ninh cho biết, dịch sâu đầu đen xuất hiện từ đầu năm, nhưng khoảng vài tháng nay mới bùng phát mạnh và lây lan nhanh.
“Tôi nghe các chú bác trong xóm nói dừa đang bị sâu đầu đen ăn. Về vườn kiểm tra thì thấy cũng có nhiều tàu lá bị lốm đốm đen nên tôi đã mua thuốc xịt để phòng ngừa. Nhưng có hộ phun thuốc, có hộ không phun vì thế, vườn dừa dù có bảo vệ vẫn bị lây lan từ những chỗ khác”, anh Hết nói.
Cũng theo anh nông dân, sức phá hoại của sâu đầu đen rất lớn, chúng tấn công từ ngọn cây, ăn lá non đến lá già, trái non và đến cả những trái dừa gần thu hoạch. Cây dừa không đủ dinh dưỡng nên rụng trái sớm, nếu có trổ buồng thì năng suất giảm hơn 50%.
“Vườn tôi có hơn 3.000m2, với trên 100 gốc dừa. Hiện dừa ở vựa thu mua 70.000-80.000 đồng/chục, cũng được xem là giá cao, nhưng bị dịch sâu đầu đen thế này giá dù cao cũng không có để bán”, anh Hết rầu rĩ bày tỏ.
Chung cảnh ngộ với anh Hết, anh Tỉnh kể, xã Xuân Đông thường bị xâm nhập mặn nên chỉ có cây dừa là thích nghi tốt ở vùng đất này. Số tuổi của những vườn dừa ở đây tính theo hàng chục năm nhưng nay bị sâu đầu đen phá nên bà con buộc lòng phải đốn bỏ các cây dừa lâu năm để tránh lây lan.
“Tôi xịt 6 lần rồi, mỗi lần ngót nghét tốn 500.000 đồng nhưng chẳng khả quan. Sắp tới nếu nặng hơn chắc phải đốn bỏ mấy cây dừa lão rồi trồng lại dừa mới, mất 5-6 năm mới có thu hoạch”, anh Tỉnh cho hay.
Theo anh Tỉnh, đa số bà con trong xã đều trồng dừa, mỗi nhà có khoảng vài chục đến vài trăm gốc, bán cho vựa thu mua dừa khô. Với hơn 150 gốc dừa, anh Tỉnh thường thu hoạch 500-600 trái dừa/tháng, kiếm trên 3 triệu đồng. Trồng dừa không tốn nhiều công chăm sóc nên thời gian còn lại, anh đi làm thuê gia tăng thu nhập.
“Giờ trồng lại dừa thì mất nhiều năm mới có trái, mà đất ở đây nhiễm mặn trồng cây khác không phát triển được. Nông dân chúng tôi không biết làm thế nào, chỉ mong cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ cho người dân thời điểm này”, anh Tỉnh mong mỏi.
Tỷ lệ bệnh nhiễm nặng 60-70%, có vườn thiệt hại 100%
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang, toàn tỉnh có hơn 22.000ha dừa. 3 năm trước sâu đầu đen bắt đầu xuất hiện tại địa phương, nhưng gây hại không đáng kể, diện tích mỗi năm chỉ từ 5 đến 30ha.
Thời gian gần đây, dịch bệnh sâu đầu đen xuất hiện nhiều trở lại trên địa bàn huyện Chợ Gạo, với tổng diện tích 211ha dừa bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ nhiễm bệnh nặng từ 60-70%, có một số khu vực tỷ lệ nhiễm 100%. Trong đó, một số diện tích dừa bị nhiễm nặng gần như không còn khả năng phục hồi.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Võ Văn Men, Chi cục trưởng Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Tiền Giang, cho biết, thời gian qua ngành chức năng vận động bà con dọn tỉa vườn dừa, tiêu hủy các lá bị gây hại và đồng loạt phun thuốc để tránh sâu lây lan sang các vườn còn lại nên diện tích nhiễm bệnh đang được khống chế.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà vườn cần áp dụng biện pháp hóa học để phòng trừ kịp thời, rồi mới tiếp tục áp dụng các biện pháp sinh học như ong ký sinh…
Được biết, năm 2021, dịch sâu đầu đen đã xuất hiện một lần nhưng không nhiều bằng đợt này. Đối với những vườn dừa lão bị dịch bệnh tấn công, khả năng không còn thu hoạch được, ngành nông nghiệp vận động bà con cắt bỏ và đốt tập trung tiêu diệt mầm bệnh.
Đối với vườn dừa 5-6 tuổi, thời gian thu hoạch còn dài thì phun thuốc hóa học, sinh học để ngăn chặn. Giải pháp về lâu dài vẫn là thả thiên địch trên diện rộng.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp các địa phương theo dõi chặt chẽ, điều tra, phát hiện kịp thời những diện tích nhiễm sâu đầu đen và hướng dẫn nông dân biện pháp xử lý kịp thời để tránh lây lan trên diện rộng.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply