Hồ hởi mang cau đi bán sau một ngày thu hoạch vất vả, lão nông Bùi Văn Tý (xã Tiên Hiệp, huyện Tiên Phước) cho biết, gia đình có 500 cây cau từ 7 đến 15 năm tuổi.
Năm ngoái, cau đầu vụ giá chỉ 30.000 đồng/kg nhưng đến cuối vụ chỉ còn 3.000 đồng/kg, gia đình ông bỏ hết để cau chín đỏ cả cây vì không bán được đồng nào. Năm nay, từ đầu mùa, giá cau khởi điểm lên đến 50.000 đồng/kg. Giờ đây, ông Tý càng vui mừng hơn khi bán được cau với giá 75.000 đồng/kg.
“Năm vừa rồi tôi bán 1 tấn cau thu được 20 triệu đồng, năm nay với 1 tấn cau tôi thu được hơn 60 triệu đồng”, ông Tý chia sẻ.
Không giấu được niềm vui khi giá cau tăng mạnh, ông Trần Văn Bình (xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) cho hay, cứ 20 ngày thu hoạch một lần khi cau lớn vừa đủ kích cỡ (cỡ 55 trái/kg). Mỗi năm, cau cho thu hoạch từ rằm tháng 6 đến hết tháng 11 âm lịch, chia làm 4 đợt. Trong đó, đợt thứ 2-3 cho năng suất cao nhất.
“So với năm ngoái, sản lượng năm nay ít hơn gấp 2 lần. Cây cau đầu tư ít, chủ yếu tốn công chăm sóc, nhưng cho thu nhập tốt. Nhất là những mùa cau được giá như năm nay, người nông dân rất phấn khởi”, ông Bình nói.
Bên cạnh nỗi lo mất mùa, mất trộm khi giá cau tăng, người dân Tiên Phước còn mang theo nỗi sợ 3 năm trước. Khi ấy giá cau đỉnh điểm lên đến 95.000-100.000 đồng/kg, sau đó lại rớt giá thê thảm. Đến năm nay, giá cau lại tăng mạnh từng ngày. Câu chuyện bình ổn giá đang là vấn đề nan giải của những người dân sống nhờ cau.
“Hy vọng giá cau cứ ở mức 50.000 đồng/kg là tôi mừng rồi. Thu nhập ổn định, bền vững thì người dân vui hơn nhiều so với việc tăng vụt giá rồi sau đó rớt giá mạnh”, ông Bình nói thêm.
Tại 2 cơ sở chế biến cau xuất khẩu của bà Trần Thị Luân (ở xã Tiên Lãnh và Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước), những ngày này tấp nập người ra kẻ vào mua bán cau tươi.
Cơ sở của bà Luân tạo việc làm cho 20 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 6-12 triệu đồng/người/tháng.
Bà Luân cho biết, mỗi ngày cơ sở thu mua 17-20 tấn cau tươi để chế biến cau sấy, khoảng 4kg cau tươi sẽ cho ra 1kg cau khô.
“Người nông dân phải tuân thủ theo tiêu chuẩn thu mua cau để sấy xuất khẩu là 55 trái/kg mới có giá 75.000 đồng. Cau sấy được bán sang thị trường Ấn Độ, các nước Ả rập, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất”, bà Luân nói.
Nông dân Tiên Phước kỳ vọng giá cau năm nay không phải là dấu hiệu cho những đợt xuống thấp kỷ lục vào các năm tới. Đồng thời, mong muốn thị trường tiêu thụ Trung Quốc thu mua ổn định để người dân Tiên Phước tiếp tục phát triển đời sống kinh tế nhờ cau.
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Tiên Phước, diện tích trồng cau trên địa bàn huyện hơn 1.000ha, trong đó diện tích đã cho trái 523ha, trồng nhiều ở các xã Tiên Ngọc, Tiên Hiệp, Tiên Cảnh…
Sản lượng hàng năm đạt trên 2.600 tấn cau tươi. Với giá cau tươi biến động 30.000-90.000 đồng/kg, giá trị thu nhập từ trái cau và các sản phẩm phụ từ cau của toàn huyện đạt 100-200 tỷ đồng/năm.
Ông Bùi Sang – Chủ tịch UBND xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước – cho biết, Tiên Lãnh là địa phương có diện tích trồng cau lớn của huyện Tiên Phước. Giải được bài toán đầu ra cho cây cau cũng góp phần giải quyết bài toán thoát nghèo bền vững cho người dân.
“Địa phương cũng rất mong có sự quan tâm hỗ trợ từ phía các doanh nghiệp, để cùng tìm lời giải cho đầu ra của cây cau một cách bền vững, bao lần chứng kiến giá cau “chìm nổi” khiến ai cũng rất xót lòng”, ông Sang nói.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply