Chiều 23.8, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM tổ chức buổi khảo sát đối với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM và một số cơ quan trực thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM về công tác tham gia quản lý nhà nước về lao động và việc làm.
Tại buổi khảo sát này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM, nêu lên tình trạng các doanh nghiệp trên địa bàn hiện không tuyển được lao động mặc dù vẫn còn nhiều người thất nghiệp. Bà Nga đặt câu hỏi với Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM về các giải pháp kết nối cung – cầu lao động, cũng như đánh giá việc tổ chức các sàn giao dịch việc làm hiện có hiệu quả hay không.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, cho hay ngoài các sàn giao dịch việc làm trực tiếp, đơn vị có nhiều kênh để kết nối việc làm mỗi ngày thông qua trang web (vieclamhcm.com.vn), kênh Zalo hay ở các chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp.
Riêng các sàn giao dịch việc làm trực tiếp, từ năm 2020 – cuối tháng 6.2024, đơn vị đã tổ chức 508 sàn; qua đó, tư vấn giới thiệu việc làm cho hơn 810.000 lượt người. Tuy nhiên, bà Thục đánh giá hiện cung cầu lao động chưa đạt như kỳ vọng khi số lượng người đến các sàn giao dịch rất đông, nhưng tỷ lệ được kết nối thành công và đi làm còn thấp.
Cùng với đó, theo phân tích từ website của đơn vị, hiện doanh nghiệp tuyển hàng chục ngàn vị trí nhưng không tuyển được người. Đa số công việc đang thiếu trầm trọng nguồn lao động phổ thông và các thợ lành nghề.
Trong khi đó, tỷ lệ người lao động thất nghiệp tại TP.HCM còn cao. Tính từ năm 2020 đến tháng 6.2024, trung tâm đã tiếp nhận hơn 710.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng từ giai đoạn 2021 – 2023, cụ thể năm 2021 là 122.700 người, năm 2022 là 150.721, năm 2023 là 166.126.
Về lý do, theo bà Thục, người lao động thất nghiệp còn khó khăn nên có xu hướng hưởng bảo hiểm thất nghiệp kết hợp với công việc thời vụ. Ngoài ra, còn vì mức lương tuyển dụng của doanh nghiệp chưa đúng nhu cầu của người lao động cùng với nhiều tiêu chí chưa phù hợp như thời gian làm việc, độ tuổi làm việc…
Thời gian tới, Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kết nối việc làm, cụ thể là hoàn thiện website và các phần mềm kết nối việc làm, dễ sử dụng; nâng chất lượng các sàn việc làm, tổ chức đáp ứng các ngành, lĩnh vực cụ thể; xây dựng nền tảng thông tin chung giữa TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận…
Có chính sách đào tạo nghề nhưng người lao động không mặn mà
Ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của chính sách đào tạo nghề. Về vấn đề này, theo báo cáo của Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM, từ năm 2020 – tháng 6.2024, TP.HCM đã chi hơn 38 tỉ đồng cho công tác hỗ trợ học nghề với hơn 10.000 người lao động thất nghiệp – chiếm tỷ lệ thấp so với số người nhận trợ cấp thất nghiệp.
Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục cho biết, hiện người lao động chưa mặn mà với việc học nghề. Nguyên do có thể kể đến là ít cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo nghề cho người thất nghiệp. Bên cạnh đó, việc quyết toán kinh phí hỗ trợ học nghề rất nhiêu khê, dẫn đến các trường nghề chưa hưởng ứng với hoạt động này.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ học nghề chỉ có học phí chứ chưa có chi phí ăn ở, sinh hoạt phí, đi lại… nên chưa thu hút sự quan tâm của người lao động. Mức hỗ trợ học nghề hiện còn thấp (hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/tháng) và thời gian hỗ trợ ngắn (tối đa 6 tháng). Với mức hỗ trợ này, người lao động cũng không thể học những ngành nghề trình độ trung cấp trở lên, những nghề chất lượng cao, có tính thu hút lớn. Do đó, cần sự thay đổi lớn từ chính sách để phát huy công tác này.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply