Lương lao động phổ thông quá thấp
Theo báo cáo tình hình việc làm tháng 7 của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, thị trường lao động thành phố đang tồn tại nghịch lý lớn là người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều, nguồn lực lao động lớn nhưng doanh nghiệp lại khó tuyển dụng.
Nguyên nhân chính là do cung cầu thị trường chưa gặp nhau. Hầu hết lao động tìm việc tại TPHCM là lao động có trình độ, rất ít người tìm công việc phổ thông. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông của doanh nghiệp lớn nhưng ít người ứng tuyển.
Trong tháng 7, thống kê trên hệ thống tuyển dụng của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho thấy: doanh nghiệp muốn tuyển 4.527 vị trí việc làm lao động phổ thông (chiếm 52% tổng nguồn cầu) nhưng chỉ có 942 người tìm công việc này (chiếm 26,08% tổng nguồn cung).
Thống kê 6 tháng đầu năm 2024 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) càng rõ nét hơn. Giai đoạn này, các doanh nghiệp cần tuyển 20.951 lao động phổ thông (chiếm 13,21% tổng nguồn cầu) nhưng chỉ có 564 lao động phổ thông tìm việc (chiếm 0,71% tổng nguồn cung).
Tại chương trình khảo sát của Hội đồng Nhân dân TPHCM mới đây, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM, cho biết lý do lớn nhất khiến doanh nghiệp không tuyển được lao động phổ thông là vì họ trả lương quá thấp.
Khảo sát của Công đoàn Các khu chế xuất – khu công nghiệp TPHCM cho thấy, mức lương doanh nghiệp trả cho lao động phổ thông phổ biến chỉ từ 5,2 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Thống kê 6 tháng đầu năm 2024 của Falmi cho thấy, lao động phổ thông chủ yếu tìm việc có mức lương 5-10 triệu đồng/tháng (11,7% tổng số lao động tìm việc). Chỉ có 0,9% tổng số lao động tìm công việc giản đơn có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, 31,76% tổng số nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp là các vị trí việc làm có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng, chủ yếu dành cho lao động phổ thông.
Các tỉnh cạnh tranh gay gắt
Không chỉ xung đột trong cung cầu lao động về mức lương mà thị trường lao động TPHCM còn đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động các tỉnh lân cận.
So về mức lương dành cho lao động phổ thông, doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu đều trả không thấp hơn doanh nghiệp tại TPHCM. Ngoài ra, các doanh nghiệp thâm dụng lao động ở các tỉnh còn tìm đủ cách để giữ chân người lao động.
Đầu tháng 8, trên các diễn đàn công nhân, người lao động xôn xao bàn tán về thông tin công ty TNHH CiBao (TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) tặng 64 công nhân có đủ 5 năm làm việc, mỗi người 1 chỉ vàng 9999. Với thời giá hiện tại, món quà này trị giá gần 8 triệu đồng.
Theo Công đoàn công ty TNHH CiBao, đây là hoạt động mà công ty thực hiện hằng tháng từ năm 2016 đến nay nhằm tăng phúc lợi, tri ân và giữ chân người lao động gắn bó lâu năm với công ty. Tính đến nay, công ty TNHH CiBao đã tặng 2.308 chiếc nhẫn vàng 1 chỉ 9999 cho người lao động.
Thống kê của Công đoàn Đồng Nai cho thấy, những chương trình phúc lợi, đãi ngộ lao động lâu năm như trên thường xuyên được các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện, nhất là các ngành thâm dụng lao động.
Còn tại TPHCM, sự việc gây xôn xao nhất trong cộng đồng công nhân những tháng đầu năm là vụ việc công ty TNHH Nobland Việt Nam (quận 12, TPHCM) trừ lương công nhân để bù vào số hàng bị mất.
Trong định hướng chiến lược phát triển thị trường lao động đến năm 2030, UBND TPHCM xác định cạnh tranh trên thị trường nội địa là một thách thức lớn với thị trường lao động thành phố.
Theo UBND TPHCM, nguồn lao động nhập cư ngày trước chỉ có một sự lựa chọn là TPHCM thì nay có nhiều điểm đến để lựa chọn. Đó là thách thức lớn cho việc phát triển nguồn cung đáp ứng nhu cầu nhân lực của thành phố.
Theo Falmi, để thị trường lao động ổn định thì người lao động lẫn doanh nghiệp đều phải nỗ lực. Đặc biệt, lương thưởng và các chế độ phúc lợi là yêu cầu quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý để người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply