Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, từ ngày 3 – 6.9, phía Hàn Quốc sẽ cấp phép, giới thiệu hồ sơ đợt 3 năm 2024 của người lao động trong ngành sản xuất chế tạo, đóng tàu. Các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, xây dựng, dịch vụ, lâm nghiệp sẽ tiến hành cấp phép, giới thiệu từ ngày 9 – 13.9.
Để chuẩn bị tốt các hồ sơ, thủ tục khi được ký hợp đồng lao động, Trung tâm Lao động ngoài nước lưu ý, người lao động khi được cấp phép, cần khẩn trương tiến hành xin cấp phiếu lý lịch tư pháp để hoàn thiện hồ sơ xin cấp visa.
Do thời gian xin cấp lý lịch tư pháp khá dài, nếu người lao động chờ đến khi Trung tâm Lao động ngoài nước thông báo kế hoạch hoặc định hướng mới thực hiện thủ tục này, sẽ có khả năng không kịp nộp hồ sơ khi tham dự khóa học định hướng.
Việc không kịp thời hoàn thiện đủ hồ sơ xin cấp visa có thể dẫn đến việc người lao động bị hủy hợp đồng vì lý do nhập cảnh muộn và hồ sơ sẽ bị tạm dừng giới thiệu 1 năm. Người lao động theo dõi tiến trình hồ sơ cấp phép tại tài khoản cá nhân trên trang www.eps.go.kr.
Ngoài ra, người lao động nên bố trí, sắp xếp công việc và tài chính để nộp các khoản đóng góp theo quy định khi tham dự khóa đào tạo giáo dục định hướng, và bổ túc tiếng Hàn trong thời gian 15 ngày.
Chi phí phải nộp gồm: chi phí phái cử bằng tiền Việt Nam tương đương 630 USD, bao gồm chi phí hành chính, chi phí khóa đào tạo định hướng, xin cấp visa, vé máy bay; ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Khóa học định hướng sẽ được thông báo tới người lao động theo các hình thức nhắn tin tới số điện thoại di động người lao động, đăng trên website của trung tâm và gửi công văn tới sở LĐ-TB-XH các địa phương sau khi phía Hàn Quốc gửi hợp đồng lao động. Khóa học sẽ được thông báo trước thời điểm tổ chức từ 7 – 10 ngày.
Người lao động cũng cần chủ động tìm hiểu các thông tin, quy trình của Chương trình EPS; nghiêm túc chuẩn bị, thực hiện kê khai hồ sơ xin cấp visa, các nội dung liên quan và cách thức xử lý các vấn đề phát sinh theo hướng dẫn.
Việc chuẩn bị đầy đủ, thực hiện chính xác thủ tục, hồ sơ sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình nhập cảnh của người lao động. Việc nhập cảnh của người lao động sau khi xin cấp visa do chủ sử dụng lao động và Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc lập kế hoạch.
Đặc biệt, Bộ LĐ-TB-XH khuyến cáo, theo cảnh báo của Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc, người lao động không tự ý hoặc nhờ người khác liên hệ với chủ sử dụng lao động để hỏi về kế hoạch nhập cảnh. Hành vi này được xem là tham gia chương trình thông qua trung gian, môi giới, có thể dẫn đến bị hủy hợp đồng lao động.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, Chương trình EPS được khởi động từ năm 2004, đến nay Việt Nam đưa khoảng 127.000 người đi làm việc tại Hàn Quốc. Năm 2024, hạn ngạch Hàn Quốc cấp phép cho Việt Nam hơn 15.400 lao động, tăng hơn 3.000 người so với năm 2023. Đứng đầu là ngành sản xuất chế tạo với hơn 11.200 người, tiếp đó là các ngành ngư nghiệp, nông nghiệp và xây dựng.
Tuy nhiên, số lao động đăng ký dự thi tiếng Hàn đợt tháng 5 lên đến gần 45.000 người, gấp 3 lần so với hạn ngạch phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam. Đây cũng là số lượng thí sinh dự thi đông kỷ lục trong 20 năm triển khai chương trình EPS. Người lao động đạt yêu cầu qua kỳ thi tiếng Hàn vòng 1 sẽ được tự động đăng ký tham dự kiểm tra tay nghề.
Lao động đạt yêu cầu qua 2 vòng thi mới được làm hồ sơ dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc để giới thiệu với người sử dụng Hàn Quốc. Sau khi được ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại nước này.
Lao động – Tin Tức Việc làm
Nguồn: Sưu Tầm
Leave a Reply