23 ý kiến đối thoại
Quan điểm đó được nêu tại Hội nghị đối thoại với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2024 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 6/9, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chủ trì.
Hội nghị được tổ chức định kỳ để nắm bắt tâm tư nguyện vọng, phản ánh kiến nghị, đề xuất chính đáng hợp pháp của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhằm phát huy dân chủ, vai trò giám sát đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của cấp ủy chính quyền, tạo đồng thuận trong cơ quan, đơn vị.
Điều hành hội nghị, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị đối thoại trao đổi, thảo luận thẳng thắn, trên tinh thần xây dựng, nhằm đóng góp vào việc xây dựng môi trường làm việc tích cực và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị thuộc Bộ.
Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Hưng Long báo cáo kết quả thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở 6 tháng đầu năm 2024. Đây là nội dung được Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH quan tâm, chỉ đạo sát sao, thực hiện nghiêm túc.
Để chuẩn bị cho hội nghị đối thoại, Công đoàn Bộ LĐ-TB&XH đã ghi nhận 23 ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động gửi đến Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ. Trong đó, có 5 ý kiến tham luận trực tiếp tại hội nghị đối thoại, 18 ý kiến gửi về thông qua Công đoàn Bộ.
Các đơn vị đã kịp thời phổ biến nội dung quy chế gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, các phong trào thi đua yêu nước của các cơ quan, đơn vị. Các đầu mối cũng chủ động nghiên cứu, ban hành Quy chế, Quy định của Bộ, góp phần thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, của từng đơn vị.
Bên cạnh đó, việc đánh giá công chức, viên chức; quy hoạch, luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và bố trí, sắp xếp, sử dụng công chức, viên chức được quan tâm từ bước xây dựng nội dung đến quy trình tổ chức thực hiện.
Cũng tại hội nghị, Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ, Phó Chánh Văn phòng Bộ Bùi Sỹ Tuấn báo cáo việc thực hiện và giải quyết các kiến nghị tại Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2023 của Bộ và tổng hợp đề xuất, kiến nghị từ đối thoại giữa kỳ của các đơn vị.
Phó Chủ tịch Công đoàn Bộ cho biết, các ý kiến, đề xuất tập trung vào 3 nhóm vấn đề, về công tác tổ chức, cán bộ; Kế hoạch – Tài chính và công tác hành chính, cơ sở vật chất của Bộ.
Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ, Chánh Văn phòng Bộ cũng trực tiếp trao đổi, giải trình làm rõ thêm các ý kiến, đề xuất tại hội nghị.
“Nỗi khổ phải làm việc trong môi trường thiếu đoàn kết”
Qua nghe trình bày báo cáo, theo dõi những nội dung trao đổi tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tầm quan trọng của dân chủ trong các cơ quan, đơn vị. Ông đúc kết, thiếu dân chủ, cơ quan sẽ rơi vào tình trạng rối loạn.
“Người đứng đầu có thể tạm thời dùng quyền uy để điều khiển cấp dưới, nhưng cách làm này không bền vững, mà dân chủ mới là giải pháp tối ưu để tạo ra sự đoàn kết và thống nhất, từ đó mang lại sức mạnh cho tập thể.
Ở đâu có đoàn kết, ở đó tốt đẹp, mọi người đều được hưởng lợi. Ngược lại, nơi nào không có dân chủ, mất đoàn kết, sẽ không thể phát triển. Cán bộ khổ nhất là phải làm việc trong một môi trường mất đoàn kết”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.
Bộ trưởng đánh giá cao không khí dân chủ tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong thời gian qua, đặc biệt là dân chủ giữa cấp ủy và chính quyền, giữa người đứng đầu và các tổ chức đoàn thể.
Người đứng đầu bộ nhấn mạnh tầm quan trọng của dân chủ trong lãnh đạo và tổ chức công việc, dân chủ trong công tác cán bộ. Ông chỉ rõ, nếu năng lực và sở trường của cán bộ được sử dụng đúng chỗ, hiệu quả sẽ cao. Ngược lại, nếu lãnh đạo thiếu khách quan và không công tâm, tinh thần dân chủ bị bó hẹp, các bộ phận khó hoàn thành nhiệm vụ chung.
Trong công tác cán bộ, theo Bộ trưởng, phải hiểu rõ và đánh giá đúng cán bộ, để có thể sử dụng khách quan, công tâm. Ông cũng khẳng định, nếu khéo léo, biết sử dụng nhân tài sẽ mang lại hiệu quả cao, còn ngược lại, sẽ phản tác dụng.
Ông kêu gọi người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị của Bộ, cần tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực, khuyến khích, và bảo vệ cán bộ. Sử dụng cán bộ cũng phải tinh tế, để biến tài nhỏ thành tài lớn.
Qua nghe báo cáo, Bộ trưởng bày tỏ vui mừng khi công tác tuyển dụng cán bộ của Bộ được thực hiện công khai và minh bạch.
Về vấn đề cơ sở vật chất, dù còn nhiều hạn chế, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng Bộ LĐ-TB&XH đã có những bước tiến lớn trong thời gian qua.
Trong buổi đối thoại, ông yêu cầu các đơn vị xây dựng đề án việc làm, để sử dụng đúng người, đúng việc, công khai và minh bạch. Đồng thời, cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, để 5-10 năm tới, Bộ có một đội ngũ cán bộ trẻ, chất lượng.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đánh giá, khen thưởng và nhắc nhở kịp thời, theo tinh thần khách quan và minh bạch. Theo Bộ trưởng, cần tập trung khen thưởng cho cán bộ cấp dưới nhiều hơn để khuyến khích tinh thần thi đua.
“Việc thi đua, khen thưởng nên ưu tiên cán bộ cấp dưới nhiều hơn, để thực sự là “chiến sĩ thi đua” chứ không phải “lãnh đạo thi đua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sau cùng, Bộ trưởng yêu cầu các cơ quan khẩn trương rà soát, bổ sung quy chế dân chủ và quy chế làm việc, chú trọng phát huy dân chủ trong mọi hoạt động của đơn vị. Lãnh đạo Bộ lưu ý các đơn vị chú trọng vai trò tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu.
Các phong trào thi đua và hoạt động tập thể cần được tổ chức thường xuyên để phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply