Mỗi dịp trung thu, nhiều người dân ở Gia Lai lại tập trung làm những mẻ bánh Trung thu “handmade” để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Bằng bàn tay khéo léo, người thợ đã nặn ra những chiếc bánh Trung thu có hình dáng độc đáo, màu sắc bắt mắt.
Cứ vào dịp Tết Trung thu, chị Vũ Hồng Hạnh (thị trấn Chư Prông, huyện Chư Prông, Gia Lai) lại tạm dừng sản xuất các loại bánh ngọt, bánh sinh nhật để tập trung vào làm bánh Trung thu thủ công, phục vụ nhu cầu của khách hàng. Sức mua của khách hàng năm nay được chị Hạnh đánh giá cao hơn mọi năm.
Chị Hạnh cho biết: “Trước Trung thu khoảng vài tháng, cơ sở bánh ngọt của tôi đã tập trung vào làm bánh Trung thu. Những chiếc bánh Trung thu “handmade” có nhiều vị nhân, mang đến sự lựa chọn mới cho người tiêu dùng”.
Theo chị Hạnh, bánh Trung thu “handmade” thường có thời gian bảo quản ngắn nên mỗi tuần chỉ sản xuất 150-200 hộp. Mỗi hộp bánh Trung thu có giá 300.000-400.000 đồng. Năm nay, khách hàng thường đến tiệm để tự tay chọn nhân bánh theo khẩu vị của từng gia đình.
“Những chiếc bánh Trung thu tôi thường chọn rau, củ quả để pha chế, tạo ra nhiều màu sắc như: vàng, xanh, tím… Để bánh có hương vị tự nhiên, tôi luôn chọn các nguyên liệu trong tự nhiên để làm bánh và nhân”, chị Hạnh cho biết thêm.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Sương (đường Chu Mạnh Trinh, thành phố Pleiku, Gia Lai) đang tất bật làm những chiếc bánh Trung thu yến sào để giao cho khách hàng.
Theo chị Sương, do có lợi thế kinh doanh, phân phối yến sào nên nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng. Mỗi dịp Tết Trung thu, chị Sương lại làm những chiếc bánh nhân yến sào để phục vụ khách hàng.
Chị Sương chọn 4 chiếc bánh với 4 vị khác nhau để đóng hộp quà. Mỗi hộp bánh Trung thu như vậy có giá từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy theo sở thích khách hàng đặt số lượng yến sào.
“Năm nay, giá nguyên liệu tăng nhưng giá bánh vẫn ổn định so với những năm trước. Các loại bánh thủ công, truyền thống, handmade, khách hàng vẫn ưa dùng vì tin tưởng nguồn gốc, nguyên liệu rõ ràng… Tuy nhiên, các loại bánh này lại có thời gian bảo quản ngắn, chi phí sản xuất mất nhiều, công phu”, chị Sương bộc bạch.
Bánh handmade đa số được những tiệm bánh ngọt, người đam mê nấu ăn làm khi đến Tết Trung thu. Tùy theo nhu cầu khách hàng và những người thợ sẽ tạo ra công thức riêng. Để phù hợp với nhu cầu, nhiều cơ sở còn làm thêm bánh chay thích hợp cho những người ăn chay, ăn kiêng. Vì thế, bánh trung thu “handmade” không ngừng hút khách đến mua.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply