Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, qua tổng kết việc thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 cho thấy, tỷ trọng chi tài chính công đoàn được tập trung cho công đoàn cơ sở (chiếm gần 75%) để chăm lo cho người lao động.
Trong đó, tài chính chi cho phúc lợi, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng cho đoàn viên và người lao động chiếm hơn 84% tổng số chi.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay.
Tổ chức công đoàn cho rằng quy định này nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Do vậy, việc tiếp tục bảo đảm nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.
Về bản chất, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động cho tổ chức và hoạt động của công đoàn nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho người lao động.
Như vậy, nguồn kinh phí công đoàn được sử dụng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.
Qua khảo sát, nhiều năm qua, phần lớn công đoàn cơ sở doanh nghiệp, ban chấp hành công đoàn đã công khai cho đoàn viên, người lao động biết danh mục quyền lợi (gồm cả mức chi) hằng năm mà họ được hưởng như thăm hỏi ốm đau, quà Tết…
Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay của người lao động 5,7 triệu/tháng thì trong 1 năm doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng.
Khi đó, 75% số kinh phí công đoàn đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa, thể thao…
“Về nguyên tắc, chúng ta không nên giảm quyền lợi của người lao động, mặc dù một bộ phận doanh nghiệp có đề nghị giảm. Nếu giảm kinh phí công đoàn, có thể sẽ tạo nên cú sốc cho người lao động về việc phúc lợi giảm, ảnh hưởng đến việc thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn. Suy cho cùng thì việc duy trì kinh phí công đoàn nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi cho người lao động”, ông Hiểu chia sẻ.
Đối với doanh nghiệp, kết quả sản xuất kinh doanh có phần đóng góp quan trọng của người lao động. Kinh phí công đoàn được tính vào chi phí của doanh nghiệp, được hạch toán vào giá thành sản phẩm.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổng Liên đoàn, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp (khoảng 0,38%). Nhưng việc sử dụng mang lại lợi ích cho cả người sử dụng lao động và người lao động, góp phần tạo lập quan hệ lao động hài hòa, ổn định, người lao động được chăm lo tốt hơn, yên tâm làm việc.
Do vậy, mặc dù làm tăng chi phí doanh nghiệp, nhưng về tổng thể, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức đóng 2% vẫn nằm trong phạm vi chấp nhận được đối với sức chịu đựng của các tổ chức, doanh nghiệp.
Tin tức An sinh xã hội, thông tin đào tạo việc làm
Leave a Reply